Nhiều hành khách lo ngại đề xuất bỏ giá trần với vé máy bay của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) sẽ khiến tình trạng giá vé tăng cao vào những dịp cao điểm như lễ, Tết... Tuy nhiên, theo ý kiến của Cục Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không hiện có tính cạnh tranh rất cao. Đã đến lúc để thị trường tự điều tiết, Nhà nước chỉ hậu kiểm.
Việc bỏ giá trần, các hãng sẽ chủ động cân đối chi phí để áp dụng dịch vụ phù hợp. Ảnh: VGP/Phan Trang
Có đầy đủ quy định để giám sát
Với lo ngại của hành khách về việc các hãng hàng không "bắt tay" nhau đẩy giá sẽ khiến hành khách chịu thiệt, đại diện Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines (VNA) khẳng định, Điều 12, Khoản 1 của Luật Cạnh tranh quy định cấm thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Do đó, nếu các hãng hàng không “bắt tay” thống nhất về giá là vi phạm pháp luật.
“Việc các hãng ‘bắt tay’ nhau để đồng loạt tăng giá là khó xảy ra trước bối cảnh cạnh tranh ở thị trường nội địa hiện nay, khi các hãng đều cố gắng cải thiện cả về chất lượng dịch vụ và giá để giành thị phần”, đại diện Vietnam Airlines khẳng định.
Thêm vào đó, VNA cho rằng, việc bỏ giá trần, các hãng sẽ chủ động cân đối chi phí để áp dụng dịch vụ phù hợp với mô hình mà hãng theo đuổi. Ví dụ như, hàng không truyền thống hướng với dịch vụ chất lượng 4-5 sao đi kèm giá cao thì hàng không tiết kiệm sẽ tập trung vào mức giá thấp.
“Người tiêu dùng rất thông thái, họ lựa chọn sản phẩm dịch vụ có giá bán tương xứng với chất lượng. Nếu sản phẩm dịch vụ chúng tôi đưa ra có chất lượng tốt, giá bán cao ở mức hợp lý sẽ được khách hàng chấp nhận. Chiều ngược lại, sản phẩm có chất lượng không tốt mà đưa ra giá bán cao sẽ bị các “thượng đế” phản đối, không bán được vé tự hãng bay sẽ bị đào thải”, đại diện VNA cho hay.
Cùng quan điểm đặt “cây roi” vào tay khách hàng, ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám đốc Vietravel Airlines cho rằng, khó xảy ra việc “bắt tay đẩy giá” vì các hãng hàng không tồn tại được đều dựa trên sự tôn trọng khách hàng và bản thân hành khách cũng biết rõ mức giá nào là phù hợp.
“Ví dụ, vé của Vietnam Airlines có nhiều dịch vụ đi kèm thì chắc chắn giá phải cao hơn vé máy bay Vietjet. Nếu bắt tay để đẩy giá lên mà dịch vụ không tương xứng, chắc chắn khách hàng sẽ tẩy chay, lúc đó doanh nghiệp mất rất nhiều”, ông Biên chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Biên cũng cho rằng, tại thời điểm dịch Covid-19 hiện nay việc bỏ quy định giá trần chưa phù hợp bởi các hãng hàng không đều đang khó khăn. Do đó, với việc bỏ giá trần hay áp giá sàn, đại diện Vietravel Airlines kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải cần đánh giá kỹ lưỡng, chú trọng tới ý kiến của các hãng hàng không, người tiêu dùng và các cơ quan quản lý liên quan để bảo đảm quyền lợi của tất cả các bên.
Bỏ giá trần, nâng cao dịch vụ
Đề xuất sửa đổi Điều 116 về giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa được Cục Hàng không Việt Nam nêu tại dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Theo đó, trong trường hợp đường bay có dưới 3 hãng hàng không tham gia khai thác, hãng hàng không sẽ quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông, cơ bản không vượt mức tối đa do Bộ Giao thông vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông vận tải.
Với đường bay có từ 3 hãng hàng không tham gia khai thác trở lên, hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định. Điều này đồng nghĩa với việc trần giá vé máy bay được gỡ bỏ.
Giải thích về đề xuất này, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, các hãng hàng không luôn xây dựng dải giá linh hoạt với nhiều mức giá, tương ứng với các điều kiện, thời điểm mua khác nhau. Doanh thu, chi phí sẽ được tính tổng chung theo chuyến bay, đường bay hoặc có thể theo mùa vụ.
Thông thường, dải giá được các hãng xây dựng có khoảng từ 10-15 mức giá. Trong đó có những mức giá thấp, có nhiều loại vé cho, tặng (0 đồng chưa bao gồm thuế và các khoản thu hộ) theo từng đợt khuyến mại, giảm giá của hãng.
“Trong bối cảnh hiện nay, với sự tham gia ngày càng nhiều các hãng hàng không, thị trường vận chuyển nội địa có tính cạnh tranh rất cao. Việc áp dụng giá trần sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ đối tượng khách sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ - yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững của các hãng hàng không”, đại diện Cục Hàng không Việt Nam lý giải.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên Cục Hàng không Việt Nam đề xuất việc bỏ giá trần vé máy bay, trước đó, thời điểm tháng 6/2016, trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, việc bỏ giá trần vé máy bay đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng để bảo đảm tính cạnh tranh và quyền lợi của người sử dụng.
Vị này cho rằng, Nhà nước quy định giá trần vé máy bay là để bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp hàng không, bảo đảm giá vé máy bay có sự kiểm soát. Tuy nhiên hiện tại, hàng không đã có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các hãng hàng không nội địa và các hãng hàng không quốc tế, nên đã đến lúc để thị trường tự điều tiết, Nhà nước chỉ hậu kiểm.
Theo quy định hiện hành, giá dịch vụ 1 chiều vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản tối đa như sau:
- Đối với khoảng cách đường bay dưới 500 km:
+ Nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội: 1.600.000 đồng/vé.
+ Nhóm đường bay khác dưới 500 km: 1.700.000 đồng/vé.
- Đối với khoảng cách đường bay từ 500 km đến dưới 850 km: 2.200.000 đồng/vé.
- Đối với khoảng cách đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km: 2.790.000 đồng/vé.
- Đối với khoảng cách đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km: 3.200.000 đồng/vé.
- Đối với khoảng cách đường bay từ 1.280 km trở lên: 3.750.000 đồng/vé.
Giá vé trên đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả, trừ: Thuế GTGT; Các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ bảo đảm an ninh, bao gồm giá phục vụ hành khách, giá bảo đảm an ninh hành khách, hành lý; Giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm.
Trích nguồn