Có thể nói Hà Giang mùa nào cũng đẹp, mỗi mùa mang một màu sắc khác nhau. Đến với Hà Giang vào thời điểm đầu tháng 4 bạn sẽ được ngắm một vùng cao nguyên đá rực lửa mùa hoa gạo đẹp đến nao lòng.
Tháng 4 về, Mộc miên rực nở trên cao nguyên
Tháng 4 về, mộc miên rực nở trên cao nguyên
Mộc miên hay dân gian vẫn gọi là hoa gạo là loại cây thân gỗ cao to. Mùa hoa mộc miên thường bắt đầu từ cuối tháng 3 và kéo dài đến cuối tháng tư dương lịch. Vào thời gian này, những cây hoa mộc miên bung nở đỏ thắm đất trời Hà Giang.
Núi sông vây dựng thành chiến địa. Cây đứng canh nơi cửa ngõ này.
Trên cung đường uốn lượn, vắt ngang sườn núi chạy qua các huyện Quản Bạ,Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Bắc Mê hoa gạo đỏ rực núi đồi đặc biệt là hai bên bờ sông Nho Quế. Trên những cành cây khẳng khiu, trơ trụi lá bỗng xuất hiện những sắc hoa đỏ và cam rực rỡ khiến đất trời mang một sức sống và vẻ đẹp lạ kỳ. Mỗi khi hoa mộc miên rực lửa khắp núi rừng là tín hiệu để biết rằng mùa xuân đã qua đi, mùa hạ đang dần tới.
Mộc miên đỏ rực trên những bản làng biên giới.
Thân gầy guộc để nuôi hoa...
Loài cây ấy thường mọc dọc theo các triền sông nhỏ và hẹp, lọt giữa những chân núi ngút ngàn.
Sự tích về hoa gạo (Pơ Lang)
Chuyện kể rằng, có chàng trai nghèo yêu cô sơn nữ xinh đẹp. Họ chuẩn bị cưới thì trời đổ mưa, cơn lũ lớn cuốn phăng ngôi nhà và lễ vật của chàng trai. Dân làng trồng cây nêu để chàng lên trời hỏi sự tình. Ngày ra đi, chàng buộc vào tay cô gái băng vải đỏ, mỗi đầu có tua năm cánh thay cho lời thề thủy chung.
Khi gặp được Ngọc Hoàng, chàng thưa: “Trần gian mưa nắng thất thường, cuộc sống con người rất cực khổ. Xin Người xem xét lại”. Ngọc Hoàng hỏi xem ai trông coi mưa nắng, một vị thần tâu: “Đó là thần Sấm, nhưng thần vốn ham vui nên có lúc chểnh mảng”. Thần Sấm thưa: “Một mình thần không làm xuể. Xin Người giữ chàng trai này lại phụ giúp thần”. Ngọc Hoàng chuẩn tấu và truyền lệnh nâng bầu trời xa khỏi mặt đất để người hạ giới không lên được nữa. Chàng trai đành ở lại làm thần Mưa. Nhớ người yêu, nước mắt chàng tuôn trào. Còn cô gái, ngày nào cô cũng trèo lên cây nêu trông ngóng. Một ngày tháng Ba, Ngọc Hoàng xuống hạ giới. Biết chuyện, ngài cho cô gái một điều ước.
Nàng thưa: “Xin Người biến cây nêu thành loài hoa có rễ bám sâu, thân thẳng, ngọn cao để thần có thể nhìn thấy anh ấy, dải vải đỏ biến thành bông hoa để anh ấy nhận ra thần”. Thỏa nguyện, cô gái gieo mình từ trên cao xuống và trở thành loài hoa Pơ lang hay còn gọi là hoa gạo.
Trích nguồn