Vừa qua, tác giả Emmanuel Boutan đã có bài viết trên tờ tạp chí Vacance - Voyageurs du Monde (Pháp) giới thiệu về vẻ đẹp và sức hút của Cố đô Huế ở Việt Nam.
Huế từng là kinh đô của nhiều đời vua, chúa. Dù đã trải qua bao thăng trầm của thời gian cùng với những biến chuyển của lịch sử, Huế vẫn bảo lưu được những công trình kiến trúc cổ, những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ, vừa biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt, đồng thời cũng mang lại những giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa của cố đô. Nhờ những tinh hoa từ thế hệ trước cùng bản sắc truyền thống đậm đà, ẩm thực Cung đình đặc trưng, nơi đây đã trở thành một trong những địa điểm du lịch được yêu thích hàng đầu ở Việt Nam, thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước.
Mở đầu bài viết, tác giả mô tả kinh thành Huế được xây dựng trên một khúc quanh của dòng sông Hương thơ mộng, hiền hòa. Đây là nơi các dòng chảy và kênh đào tỏa ra và chảy thẳng ra vùng ngoại ô, được bao quanh bởi các đồn lũy và các bức tường thành.
Tác giả cho biết di sản kiến trúc Cố đô Huế này được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa Thế giới. Công trình bao gồm ba tòa thành được bố trí đăng đối trên một trục dọc: Kinh Thành, Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. Biểu tượng của quyền lực được thể hiện trong hình vẽ, màu sắc và hoa văn của công trình. Ngày nay, du khách có thể vào bằng cổng phía Nam, một cánh cổng đặc biệt và ấn tượng, có hình móng ngựa cùng cấu trúc thượng tầng bằng gỗ với mái ngói tráng men. Quay đầu lại có thể thấy lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên Kỳ đài. Bước vào trong và tiến đến Điện Thái Hòa, có thể thấy trên mái nhà là hình ảnh hai con rồng đang hướng về mặt trăng. Ở phía sau chính là Tử Cấm Thành – từng là Cung cấm chỉ dành cho vua và hoàng gia. Tiếp theo đó là Thư viện Hoàng gia – Lầu Tàng Thơ, nơi vẫn còn nguyên vẹn một cách kỳ diệu. Đây là nơi cất giữ sổ sách, văn bản, giấy tờ quan trọng của triều đình. Nhờ sự phục chế tỉ mỉ, nhiều di chỉ đã có thể lưu giữ lại.
Bước vào không gian cổ xưa với những lăng tẩm, đền đài
Trải nghiệm những di tích cổ thời Nguyễn, tác giả khẳng định các lăng tẩm cung đình là một phương diện đặc sắc khác trong những công trình kiến trúc lịch sử ở Huế. Trong số những lăng mộ này, có 3 địa điểm nổi tiếng nhất.
Cách kinh thành 8km là Lăng vua Tự Đức. Bên hồ nước rất đẹp là Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ, nơi nhà vua thường đến ngắm hoa, làm thơ và đọc sách. Một tấm bia đá khổng lồ được đặt ở Gian nhà bia ngay sau Bi Đình, do chính vua Tự Đức soạn. Ở phía Bắc không xa so với lăng, trên núi Dương Xuân là chùa Từ Hiếu, nơi nhiều thái giám chọn làm địa điểm an dưỡng khi về già.
Cách đó 10km là Lăng Khải Định. Tới đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một lối kiến trúc độc đáo với sự pha trộn giữa kiến trúc Việt Nam và phong cách Beaux-Arts (phong cách kiến trúc Tân cổ điển và Phục hưng Hy Lạp). Gian ngoài và trong của khu mộ được bài trí lộng lẫy với kỹ thuật điêu luyện.
Di chuyển bằng đường thủy khoảng 20km là lăng của vua Gia Long, bao phủ toàn bộ ngọn đồi và đặc biệt được bao bọc hoàn toàn bởi sông nước. Nơi đây thực chất là quần thể nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến của vua.
Những chiếc thuyền rồng sẽ đưa du khách dạo trên dòng sông Hương và ngắm nhìn tuyệt tác triều Nguyễn này. Trong chuyến hành trình, du khách có thể ghé qua chùa Thiên Mụ, cách Cố đô 3km về phía tây. Ngôi chùa hùng vĩ tọa lạc trên đỉnh đồi Hà Khê, ở bờ bắc sông Hương. Được xây dựng vào năm 1601 và thường xuyên được trùng tu lại từ đó tới nay, ngôi chùa còn sở hữu một công trình kiến trúc ấn tượng là Tháp Phước Duyên – biểu tượng linh thiêng của Huế, được xây theo hình bát giác, cao 21m và gồm 7 tầng với cầu thang xoắn ốc, mỗi tầng đều có tượng Phật.
Cách không xa trung tâm thành phố và ít được du khách biết đến là ngôi chùa Từ Đàm – biểu tượng Phật giáo xứ Huế. Tuy nhiên nơi đây từ năm 1695 vẫn thu hút rất nhiều khách hành hương. Do được trùng tu nhiều lần, chùa Từ Đàm ngày nay là sự kết hợp giữa những đường nét kiến trúc truyền thống và hiện đại, tạo nên vẻ đẹp đặc trưng riêng biệt cho nơi đây.
Ẩm thực truyền thống tuyệt vời
Bày tỏ sự ngưỡng mộ với văn hóa ẩm thực cung đình Huế, tác giả Emmanuel Boutan nhận định, ẩm thực của Huế đặc biệt nổi tiếng là kế thừa của Hoàng gia. Điều đó có nghĩa là không được phép phục vụ các vị vua những món ăn chế biến một cách cẩu thả hay lặp đi lặp lại. Vì vậy, các đầu bếp đã chuẩn bị những bữa ăn đặc biệt kỹ lưỡng, đa dạng và tươi sống. Việc xây dựng thực đơn và chế biến các món ăn đã dần trở thành nghệ thuật trong ẩm thực cung đình. Bên cạnh ẩm thực cung đình, ngày nay, người dân trở nên yêu thích hơn với những món ăn như nem lụi – thịt heo xay bọc trên một cọng sả, thưởng thức với rau sống và rau thơm; bánh bèo – chén bột gạo hấp, bày thêm tôm và da heo, nước mắm; hay bánh bột lọc – bột năng hấp bọc tôm hoặc thịt...
Tác giả không giấu được niềm vui khi biết rằng, ẩm thực cung đình hiện nay đã và đang được khôi phục lại bởi những người đầu bếp có đam mê và được phục vụ vào những dịp đặc biệt. Nhờ sự đa dạng và đơn giản hơn trong cách chế biến mà các món ăn hiện đại thơm ngon đang dần thay thế những món ăn cầu kỳ trước đây.
Bên cạnh đó, thức ăn đường phố cũng đặc biệt được chú ý và yêu thích. Vì thế, mọi người đều có thể thưởng thức những món ăn này khắp mọi nơi ở Huế, từ nhà hàng cao cấp cho đến các quán ăn, quầy hàng bình dân ven đường. Đến với chợ Đông Ba – khu chợ truyền thống nổi tiếng nhất tại Huế, ta không chỉ tìm được nguồn nguyên liệu đầu mối uy tín, chất lượng; mà tại đây du khách còn có thể thưởng hầu hết các món ngon truyền thống cũng như những mặt hàng thiết yếu, lưu niệm.
Trích nguồn