Ngoài bánh mì và phở, Rough Guides giới thiệu nên thưởng thức thêm chả cá Hà Nội, mì Quảng, cơm tấm Sài Gòn.
Rough Guides là một nhà xuất bản sách du lịch, tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới có trụ sở tại Anh. Rough Guides đánh giá ẩm thực Việt rất khác biệt, đáng nhớ và là các món ăn ngon nhất Đông Nam Á. Từ hàng quán vỉa hè đến các nhà hàng cao cấp, các món ngon Việt luôn xuất hiện với đủ hương vị chua cay mặn ngọt. Dưới đây là 9 món ăn mà du khách không thể bỏ qua khi đến Việt Nam:
Gỏi cuốn
Món gỏi cuốn phổ biến ở miền Bắc là bánh tráng cuốn cùng các loại rau sống, thịt, tôm. Phiên bản gỏi cuốn miền Nam thường có thêm thịt xiên nướng, kèm chuối xanh, khế và chấm ăn với nước sốt đậu phộng. Trong nhiều nhà hàng Việt, gỏi cuốn được đem ra làm món khai vị trước món chính.
Bánh mì
Là một trong những món ăn đường phố nổi tiếng nhất, bánh mì được Pháp du nhập vào Việt Nam vào thế kỷ 19 từ loại bánh mì dài (baguette) sau đó người Việt sáng tạo thêm các loại nhân ăn kèm. Bánh mì Việt thường có nhân thịt (gà, bò, heo), pate, trứng chiên và một số rau dưa muối. Bánh mì không chỉ bán ở khắp Việt Nam mà còn xuất hiện ở nhiều thành phố lớn trên thế giới như London, New York, Tokyo...
Bánh xèo
Những chiếc bánh dẹt chiên giòn kẹp nhân tôm, thịt, rau giá, trứng... cuộn cùng bánh tráng và chấm mắm chua ngọt là bánh xèo (tiếng xèo xèo phát ra khi chiên bánh). Là món ăn chơi, bánh xèo được rất nhiều người Việt và cả du khách nước ngoài ưa thích. Tuy có nguồn gốc ở miền Trung và miền Nam, bánh xèo hiện phổ biến khắp nơi và rất dễ tìm ra hàng bánh ở cả ba miền.
Bún chả
Bún chả, đặc biệt ở Hà Nội, là một món đặc sản mà du khách có thể thấy bán ở khắp các ngõ phố thủ đô. Thịt làm chả là thịt xiên, hoặc băm nhuyễn viên miếng để nướng trên bếp than, bún ăn kèm là bún gạo tươi và bún chả không thể thiếu nước dùng đã pha chế thêm đĩa rau sống. Có thể dùng để ăn bữa chính như bữa trưa, bún chả được nhiều người ví giống thịt viên hoặc hamburger nhưng Rough Guides nhận xét, bún chả là sự kết hợp hương vị khác hẳn.
Phở
Nhắc đến ẩm thực Việt không thể bỏ qua món "quốc hồn quốc túy" là phở, có thể ăn bất kỳ thời điểm nào trong ngày nhưng phần lớn người Việt ăn vào bữa sáng. Nguồn gốc từ miền Bắc nhưng phở hiện đã là món ăn phổ biến toàn quốc. Phở cũng có nhiều loại để thực khách chọn như phở gà, phở bò (tái, chín, gầu...). Như các món khác, ăn phở cũng có đi kèm các gia vị tươi như chanh ớt, và một số loại rau sống.
Cao lầu
Cao lầu là đặc sản của phố cổ Hội An, là một tô lớn nấu từ cao lầu (sợi dai và dày hơn sợi phở), giá đỗ, thịt heo xá xíu, tóp mỡ, rau sống đi kèm bát nước súp. Đặc biệt muốn ăn cao lầu ngon du khách phải tìm tới Hội An. Từ quán sang trọng đến nơi bình dân như chợ ở xứ Quảng này, du khách sẽ cảm nhận được nét khác biệt của món ăn.
Chả cá
Chả cá xuất phát từ thủ đô Hà Nội, cũng là một trong những món ăn có tiếng của ẩm thực Hà Thành. Gọi là chả cá nhưng món ăn được chế biến từ cá cắt miếng chiên thơm với hành, ăn kèm bún rối, rau húng láng, lạc rang, và mắm tôm. Cá làm món này chủ yếu từ cá lăng, cá quả, cắt miếng và chiên trên chảo dầu ngay khi thực khách gọi đồ xong. Khi ăn vừa xem cá vừa thêm hành lá, thì là vào đảo, chín đều thì có thể gắp ra thưởng thức.
Mì Quảng
Đúng như tên gọi mì Quảng là đặc sản xứ Quảng, phổ biến nhất ở thành phố biển Đà Nẵng. Món mì trước đây nếu chỉ có nhân tôm thịt, thì nay đã được biến tấu và sáng tạo với nhiều nguyên liệu khác như ếch, giò heo, sườn, bò, gà... Tương tự cao lầu, mì Quảng không chan nước, ăn kèm rau sống, lạc rang, bánh tráng (bánh đa) giòn.
Cơm tấm
Đi trên đường phố Sài Gòn, thực khách sẽ thấy các hàng quán bán cơm tấm ở mọi nơi vì đây là món ăn đường phố có tiếng nhất và cũng dễ ăn nhất. Cơm tấm là một phần cơm (nấu từ gạo vỡ) ăn cùng thịt, sườn heo, trứng chiên, chả trứng hoặc cá, với rau dưa, nước chấm chua ngọt. Không chỉ người Việt ưa chuộng mà cả khách nước ngoài cũng mê mẩn món ăn này.
Trích nguồn