Bộ Ngoại giao cho biết Malaysia và Iran đã công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau với Việt Nam, nâng tổng số quốc gia đạt thỏa thuận này lên 19.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng hôm nay cho biết tính đến 4/4, Việt Nam đã đạt thỏa thuận công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau với 19 nước, gồm Mỹ, Anh, Nhật Bản, Australia, Belarus, Ấn Độ, Campuchia, Philippines, Maldives, Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Sri Lanka, New Zealand, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Malaysia và Iran.
Người mang hộ chiếu vaccine của các nước này vào Việt Nam và của Việt Nam đến các nước này được áp dụng những biện pháp y tế như người đã tiêm vaccine ở nước sở tại. Việc công nhận gồm miễn thủ tục chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự khi sử dụng giấy tờ này tại nước tiếp nhận.
Bà Hằng cho biết Bộ Y tế ngày 4/4 đã có thông báo chi tiết về quy trình cấp hộ chiếu vaccine ở Việt Nam và dự kiến cấp cho người dân từ ngày 15/4.
Quy trình cấp hộ chiếu vaccine gồm 3 bước. Đầu tiên, các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin trên nền tảng quản lý tiêm chủng. Dữ liệu này sau đó được cơ sở tiêm chủng xác nhận bằng chữ ký số. Cuối cùng, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế chịu trách nhiệm duyệt cho người dân vào cuối ngày, cũng bằng chữ ký số.
Người dân nhận hộ chiếu vaccine, hiển thị trên ứng dụng PC Covid-19 hoặc Sổ Sức khỏe điện tử. Nếu không sử dụng hai ứng dụng nói trên, người dân có thể tra trên trang web của Bộ Y tế bằng cách nhập 4 thông tin: họ tên, ngày sinh, giới tính, căn cước công dân, ngày tiêm gần nhất, sau đó khai báo email cá nhân để nhận hộ chiếu.
Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đang chủ động đàm phán, đẩy nhanh quá trình công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm vaccine của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Hộ chiếu vaccine của Việt Nam có 11 thông tin về người mang, số lượng, chủng loại vaccine được tiêm, cùng với mã số của chứng nhận. Các thông tin sẽ được ký số, mã hóa và đóng gói dưới dạng mã QR định dạng 2D. Mã QR trên hộ chiếu vaccine sẽ hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày khởi tạo.
Nhiều quốc gia đã áp dụng hộ chiếu vaccine để mở cửa nền kinh tế, đưa hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường mới.
Trong cuộc họp báo tháng hồi tháng 11/2021, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho hay Việt Nam chấp nhận các loại vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu và Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Trích nguồn