Nguyễn Văn Thi suốt 3 năm nay nhiều lần lặn lội lên Sa Pa dịp cuối năm để săn những bức hình chỉ mùa đông mới có.
Anh Nguyễn Văn Thi (33 tuổi) ở Hà Nội, bắt đầu du lịch các tỉnh miền Bắc và bén duyên với nhiếp ảnh phong cảnh từ cuối năm 2018. Anh đã đến Lào Cai 6 lần để săn ảnh nhưng ấn tượng nhất vẫn là chuyến sáng tác vào dịp tuyết rơi tại Fansipan đúng ngày giáp Tết Tân Sửu.
“Hào hứng do từ nhỏ chưa thấy tuyết rơi bao giờ, không bỏ lỡ cơ hội tôi liền sắp xếp đồ đạc, liên hệ trước với vài người bạn trên Sa Pa rồi bắt xe khách đi ngay trong đêm. Sáng hôm sau, may mắn là một trong những người lên Fansipan sớm nhất, khi khắp nơi tuyết phủ còn chưa in dấu chân người. Thật sự là rất đẹp và choáng ngợp, cảm xúc khó tả, không biết làm gì hơn ngoài việc cầm máy lên và chụp”, anh Văn Thi nói.
Tác phẩm Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến của Nguyễn Văn Thi đã đoạt giải khuyến khích, thể loại ảnh hiện thực tại Festival Nhiếp ảnh trẻ công bố trong tháng 10. Bức ảnh có bối cảnh là Đại tượng Phật A Di Đà trên Fansipan giữa mùa đông tuyết trắng đầu năm nay, góc chụp đã được tác giả để ý trong các lần chụp trước đó.
Hình ảnh Đức Phật là hiện thân của an lành. Phật giáo khích lệ con người sống tốt để hoàn thiện ứng xử, giữ niềm tin kiên định trước những khó khăn, cám dỗ xung quanh, dẫn dắt chúng ta tránh xa tham sân si của cuộc sống. Đó là lý do Văn Thi đã đặt tên bức ảnh như trên.
Cụm công trình Bích Vân Thiền Tự trên Fansipan trong tuyết trắng, được xây dựng theo phong cách kiến trúc chùa cổ thuần Việt, là nơi du khách và phật tử thập phương đến tham quan, chiêm bái trong mùa lễ, Tết.
Băng giá và tuyết bao phủ ngọn đèn tại ga Đỗ Quyên - ga đi của tàu hỏa leo núi Fansipan vào ngày 9/2, nằm tại khu vực Thanh Phong Thiền Tự.
Sa Pa là điểm du lịch nổi tiếng, có nhiều phong cảnh đẹp, đặc biệt là vào mùa mây cuối năm. Trong ảnh là cảnh bình minh chụp ngày 27/12/2020 trên Hầu Thào, một trong những nơi còn lưu giữ nét đẹp thiên nhiên hoang sơ, cách Sa Pa khoảng 7 km. Phía xa là núi Hàm Rồng có điểm cao nhất là 1.850 m, một trong những địa điểm đẹp để săn mây.
Mây trôi lảng bảng trên nhà thờ giáo xứ Hầu Thào, thôn Hang Đá, xã Mường Hoa. Trước khi săn mây, du khách nên xem dự báo thời tiết nếu ngày hôm trước còn đang báo mưa mà ngày hôm sau báo nắng thì khả năng cao sẽ gặp biển mây.
Đến trung tâm thị xã Sa Pa, du khách thông thể bỏ qua nhà thờ Đá, một biểu tượng cổ giữa phố núi, được người Pháp xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20. Nhà thờ Công giáo này toạ lạc trên một vị trí đắc địa với phía sau là núi Hàm Rồng che chắn, phía trước là khu đất rộng, bằng phẳng. Vào những ngày đông, quang cảnh xung quanh nhà thờ chìm trong sương giăng huyền ảo, mang nét đẹp rất riêng.
Tác giả một mình giữa đêm đông lạnh giá tại khu vực quảng trường lung linh ánh đèn, đối diện nhà thờ Đá chụp tháng 12/2020, gần đó chỉ còn vài hàng quán phục vụ du khách. “Đêm không ngủ được nên tôi lang thang cảm nhận sự lặng lẽ của Sa Pa về đêm”.
Ngoài khu trung tâm, du khách có thể về các bản làng Sa Pa để được trải nghiệm đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, như người H’Mông, người Dao Đỏ hay Giáy. Anh Thi cũng nhiều lần lang thang để săn các bức ảnh đời thường như khung cảnh bên căn bếp của phụ nữ người Dao Đỏ tại xã Bản Khoang (nay là Ngũ Chỉ Sơn).
Trong vài năm gần đây, vườn hoa mai anh đào trên đồi chè Ô Long, Sa Pa là cái tên nổi tiếng trên bản đồ du lịch Lào Cai, thu hút du khách và các nhiếp ảnh gia đến săn ảnh. Khoảng cuối tháng 11 năm ngoái, trong thời tiết giá lạnh và sương mù dày đặc, những cây mai anh đào nở rộ, điểm xuyết trên đồi chè xanh ngát tạo nên bức tranh phong cảnh như miền cổ tích.
Từ trung tâm Sa Pa, du khách đi hướng quốc lộ 4D (tức đường đi Thác Bạc hay đèo Ô Quý Hồ) khoảng 8 km, để ý thấy điểm Trường mầm non Ô Quý Hồ bên tay phải, nhìn đối diện có đường nhỏ rẽ trái và đi khoảng 500 m là tới đồi chè Ô Long.
Anh Thi chia sẻ: “Mai anh đào tại đây được trồng xen kẽ, dọc theo lối đi giữa các đồi chè. Tôi đi Sa Pa nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên đến đúng mùa hoa nở. Thật bất ngờ và không biết nói gì hơn để tả hết vẻ đẹp thơ mộng nơi đây”.
Trích nguồn