Chùa Xiêm Cán là một trong 10 điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh Bạc Liêu được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của vùng.
Tại Hội thảo phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer khu vực vườn nhãn và chùa Xiêm Cán do UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức trong chuỗi hoạt động của Ngày hội Văn hóa - Du lịch và Lễ hội Dạ cổ hoài lang tại Bạc Liêu, kéo dài từ 22-29/11, chùa Xiêm Cán của TP Bạc Liêu được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của vùng.
Chùa Xiêm Cán nằm trên diện tích 50.000 m2 tại xã Vĩnh Trạch Đông, cách trung tâm TP Bạc Liêu hơn 10 km, được hòa thượng Lâm Mau trụ trì xây dựng cách đây 135 năm. Chùa mang kiến trúc Angkor Khmer truyền thống, là một trong những ngôi chùa lớn nhất miền Tây và là di tích văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Bạc Liêu.
Chùa Xiêm Cán của TP Bạc Liêu. Ảnh: Hàm Yên
Bên trong sân chùa có bức tượng Phật trong tư thế nhập niết bàn (nằm). Đây là nơi để du khách thập phương chiêm bái khi đến chùa. Tại chùa có khắc tượng hình mô phỏng cảnh thái tử Sidatta qua sông tìm đường giác ngộ. Theo Ban trị sự chùa Xiêm Cán, tên gọi Xiêm Cán mang nghĩa là “giáp nước”. Điều này nói đến việc ngôi chùa ngự trên một vùng đất cạnh bãi bồi ven biển.
Chánh điện chùa Xiêm Cán có hình chữ nhật, có 18 bậc thang để đi lên. Giữa chánh điện là một bệ tượng hình bán nguyệt cao gần 2 m, được chia thành nhiều bậc thờ tượng Phật Thích Ca.
Đặc biệt, chùa Xiêm Cán và vùng phụ cận ven biển thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, xã Hiệp thành và phường Nhà Mát của TP Bạc Liêu là khu vực cảnh quan thiên nhiên đồng quê đặc trưng với nghề trồng nhãn lâu đời.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu, trong những năm qua, du lịch của địa phương này có bước phát triển khá. Mỗi năm lượng khách tăng trung bình khoảng 22%, tổng thu từ khách du lịch tăng trung bình khoảng 20%. Sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch của Bạc Liêu ngày càng đa dạng, có nhiều sản phẩm du lịch đã tạo thương hiệu trong khu vực và cả nước, xét về quy mô số lượng khách hàng năm và tổng thu từ du lịch, Bạc Liêu hiện đang đứng thứ 5 so với các tỉnh, thành trong khu vực.
Chùa Xiêm Cán 135 tuổi là điểm du lịch tiêu biểu của khu vực ĐBSCL. Ảnh: Hàm Yên
Việc phát triển du lịch được xác định là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bạc Liêu, hướng đến trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, quyết tâm xây dựng TP Bạc Liêu trở thành đô thị du lịch, thành phố xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Hiện, Bạc Liêu có 10/43 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận. Bên cạnh việc phát triển các du lịch đặc thù, khác biệt nhằm nâng cao thương hiệu, tạo sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao, như sản phẩm du lịch văn hóa gắn với giá trị đặc sắc của bản Dạ cổ hoài lang và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; sản phẩm du lịch gắn liền với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh; thì hiện nay loại hình du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch cộng đồng hướng đến thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa nơi đến, đang là xu thế tìm kiếm hàng đầu của du khách.