Mang nét đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, thác Đăk Sing, xã Văn Lem (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) như một bức tranh thủy mặc, thật sự là một điểm đến thú vị dành cho những ai yêu thích loại hình du lịch trải nghiệm.
Thác Đăk Sing nằm cách UBND xã Văn Lem chừng 3km. Từ xã men theo con đường nhỏ độc đạo, chúng tôi đi về hướng thác Đăk Sing. Càng tiến sâu vào hướng thác, chúng tôi gặp rừng thông, rồi đến rừng cây hỗn giao còn nguyên sinh phủ xanh hai bên đường đi. Khí trời ở gần thác mát mẻ, làm dịu đi cái nắng oi bức của tiết trời tháng 7, khiến chúng tôi cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn.
Sau gần 20 phút chạy xe, chúng tôi gặp đường xuống thác với những bậc bê tông. Tại địa điểm này, cũng là lúc chúng tôi phải để lại xe máy và bắt đầu đi bộ để từng bước tiếp cận thác. Theo quan sát, dường như đã từ lâu rồi, đường nơi đây không có người lui tới. Có lẽ vì vậy, nên hai bên đường xuống các bậc bê tông vào thác bị những nhánh cây tua tủa đâm ngang. Những bậc thang hướng xuống chân thác bị rêu phong phủ kín và rất trơn trượt. Càng xuống sâu, đường đi càng trở nên dốc hơn. Mỗi bước đi, chúng tôi đều phải hết sức cẩn thận, nhìn trước ngó sau để tránh trượt ngã.
Đi xuống tầm 200 bậc thang, chúng tôi đã có thể nghe rõ tiếng dòng nước đổ xuống thác chảy ầm ầm, tiếng róc rách của những khe suối hòa với tiếng chim rộn rã như một bản hòa tấu sống động. Điều này, càng làm cho chúng tôi trở nên phấn khích lạ thường, bởi đích đến đã ở ngay trước mặt.
Chúng tôi “chinh phục” thác Đăk Sing
Dẫn đường cho chúng tôi là A Minh (thôn Tê Rông, xã Văn Lem). Sinh ra và lớn lên tại địa phương, A Minh hiểu rất rõ về mảnh đất này. Anh cho biết, bao quanh thác Đăk Sing là rừng nguyên sinh, hoang vắng, tách biệt hẳn với bên ngoài. Càng vào trong thác, cảnh vật càng đa dạng và phong phú. Dọc theo suối là rừng trúc, tre, nứa xen lẫn rừng hỗn giao. Ngày trước, bà con và nhiều du khách vẫn thường ghé thăm thác Đăk Sing. Khi ấy, nơi đây trở nên nhộn nhịp và có lúc đông vui lắm. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, mấy năm trở lại đây, dường như thác Đăk Sing bị lãng quên một cách đáng tiếc.
Vừa đi vừa trò chuyện, chẳng mấy chốc chúng tôi đã đến được chân thác Đăk Sing. Từ dưới nhìn lên thác, dòng nước đổ xuống trắng xóa tựa như một tấm dải lụa. A Minh “bật mí”, theo những người già trong làng kể lại, thác Đăk Sing có từ lâu lắm rồi. Thác được hình thành trên dòng suối Đăk Sing nên bà con đặt tên thác trùng với tên suối. Dòng suối từ trong rừng sâu chảy ra, lại lọc qua các khe đá, rễ cây rừng nên luôn trong vắt. Nước từ trên cao đổ xuống từng bậc đá, tung bọt trắng xóa, tựa như những tầng mây huyền ảo.
Khu vực dưới chân thác là cả một khoảng rộng mênh mông nước và vô vàn những mô đá nhấp nhô. Dọc theo thác có nhiều tảng đá lớn, tạo nên một bức tranh sống động. Không khí xung quanh lúc nào cũng mát lạnh, đem lại cảm giác sảng khoái, dễ chịu.
Quang cảnh từ chân thác Đăk Sing
Thác Đăk Sing cao khoảng 100m, ở mỗi điểm địa hình phân bậc, dòng nước lại tạo ra một điểm thác nhỏ. Điều này tạo ra điểm nhấn lạ, hấp dẫn, càng làm người ta thích khám phá hơn. Cũng chính vì thế mà có người từng ví thác Đăk Sing tựa như một cuốn sách hay, càng đọc lại càng bị cuốn hút cho đến khi tận cùng. Có lẽ cũng chính vì điều này, chúng tôi bị cuốn hút khi chinh phục đỉnh thác Đăk Sing.
Bên trái thác Đăk Sing, có một nhánh thác nhỏ đã cạn nước. Theo A Minh, chỉ khi mưa lớn, nhánh thác bên này mới có nước chảy lại. Nếu muốn ngắm nhìn từng tầng thác Đăk Sing, thì đây chính là con đường lý tưởng nhất để leo lên đến đỉnh thác. Muốn lên, chúng tôi phải có đủ sức bền và luôn cẩn trọng trên từng bước chân. Bởi những phiến đá này đều có độ nghiêng, cộng với môi trường ẩm ướt nên phủ đầy rêu phong.
A Minh dẫn đầu cả nhóm đi trước, chúng tôi bám theo sau để leo lên. Băng qua từng tảng đá, bước qua những khe nước, đu mình vào những cành cây, A Minh thoăn thoắt tựa như một chú sóc rừng. Còn chúng tôi thì ngược lại, ai nấy đều mệt lả, dò từng bước chân vì sợ trượt ngã, khuôn mặt đầm đìa mồ hôi dù cuộc hành trình chỉ đang ở chặng đầu lên đỉnh thác. Tuy nhiên, không ai trong chúng tôi có ý định muốn bỏ cuộc sớm, mọi người liên tục động viên nhau để quyết tâm hướng tới đỉnh thác Đăk Sing.
Dừng lại bên một tảng đá lớn để chúng tôi nghỉ lấy sức, A Minh chỉ tay về phía giữa thác, rồi tâm sự: Theo người trong làng truyền tai nhau, ở giữa thác Đăk Sing có một hang động thông với đỉnh đồi Cỏ Cháy - đồi cao nhất ở xã Văn Lem. Ngày xưa mỗi lần xảy ra động đất hoặc nước dâng, muông thú trong rừng sẽ chui vào hang, lần theo con đường này để lên đồi lánh nạn. Thậm chí, có người trong làng từng bắt gặp tảng đá gần cửa hang có hằn vết chân trâu. Chi tiết này, càng làm cho câu chuyện huyền bí trở nên thuyết phục. Vậy nên, bà con trong làng rất nhiều người tin và truyền miệng kể lại cho con cháu đời sau nghe.
Những tảng đá cheo leo dốc thẳng đứng tại thác Đăk Sing
Sau chừng 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi đến được điểm cao nhất của thác Đăk Sing. Ai nấy đều đã mệt lả. Tuy nhiên đổi lại, từ đây chúng tôi có thể phóng tầm mắt bao quát trọn vẹn cảnh quan xung quanh thác Đăk Sing. Đó là màu xanh của cây rừng, màu trắng của dòng thác, màu vôi của đá… tất cả tạo nên một bức tranh thủy mặc. Bức tranh đó giao hòa với những âm thanh của núi rừng, làm cho mỗi chúng tôi đều có một cảm giác lâng lâng khó tả. Có lẽ, đó chính là niềm vui nhất khi chúng tôi chinh phục thác, được ngắm nhìn thỏa thích những cảnh đẹp hiếm thấy.
Trên đường trở ra, gạt qua những mệt mỏi, cả nhóm chúng tôi trò chuyện rôm rả. Chủ đề chính vẫn là vẻ đẹp của thác Đăk Sing. Mặc cho cơn mưa rừng rơi xuống mỗi lúc một nặng hạt, rồi như trút nước, nhưng cả nhóm chúng tôi đều cảm thấy vui sướng, hạnh phúc vì chuyến đi khám phá lần này.
Trong thâm tâm tôi cũng như mọi người trong nhóm đều mong muốn một ngày không xa, thác Đăk Sing sẽ được “đánh thức” để phát triển điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm. Và khi ấy, sẽ có nhiều người được biết đến thác hơn, được trải nghiệm thực tế, ngắm nhìn những cảnh đẹp đến ngỡ ngàng của thác Đăk Sing.
Trích nguồn