Mù Cang Chải là huyện miền núi của tỉnh Yên Bái, vốn nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang khiến du khách phải mê mẩn. Cứ vào mùa đổ ải vào tháng 5 - 6 hay mùa lúa chín các tháng 9 - 10, du khách khắp mọi miền lại nô nức về đây, ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang lấp lánh sắc màu.
Mù Cang Chải là huyện miền núi của tỉnh Yên Bái, vốn nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang khiến du khách phải mê mẩn. Cứ vào mùa đổ ải vào tháng 5 - 6 hay mùa lúa chín các tháng 9 - 10, du khách khắp mọi miền lại nô nức về đây, ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang lấp lánh sắc màu.
Vùng đất với những ngọn núi cao trùng điệp, kết hợp với sự khéo léo và công sức của bàn tay con người đã cùng tạo nên một khung cảnh nên thơ. Các thửa ruộng bậc thang như những dải lụa vắt ngang qua núi, minh chứng cho sự nỗ lực và kỳ công của những cư dân nơi đây.
Lần đầu đến Mù Cang Chải, tôi đi xe máy khi trời đã sẩm tối. Vào đúng dịp trăng rằm, ánh trăng chiếu sáng cả con đường ngoằn ngoèo qua các ngọn núi, phía dưới là dòng suối óng ánh đang chảy.
Một khung cảnh tuyệt đẹp. Khi mặt trời nhô lên cao, lác đác vài đám mây vẫn còn chưa tan hết, ánh nắng chan hòa chiếu những tia sáng đầu tiên của ngày mới xuống dưới thung lũng, tạo nên những ray sáng huyền ảo, lung linh.
Xen kẽ đâu đó giữa các thửa ruộng là những ngôi nhà gỗ, như một nét chấm phá đáng yêu giữa trập trùng lúa, trập trùng nương. Lần đầu tiên dám tự mình lái xe, tự mình đi du lịch khám phá, những trải nghiệm ban đầu khiến chúng tôi vô cùng háo hức.
Chúng tôi cứ thế nhẩn nha vừa đi vừa hát những bài ca tuổi trẻ, vừa ngắm nhìn những ngọn núi đầy màu sắc mà thiên nhiên và con người cùng góp sức tạo nên. Những thửa ruộng không chín cùng lúc mà có chỗ còn xanh, chỗ đã ngả sang vàng, có nơi cây lúa đã trổ đòng, tất cả đều uốn lượn theo địa hình các dãy núi tạo nên những con sóng sắc màu. Không phải tự nhiên mà vùng đất Tây Bắc lại làm đắm say biết bao du khách đến vậy.
Đi qua Tú Lệ - vùng đất nổi tiếng của cốm và xôi nếp, chúng tôi không thể bỏ lỡ hai món ăn trứ danh của xứ này. Nếp Tú Lệ được trồng trên những thửa ruộng bậc thang mỗi năm một vụ, khi đồ hay nấu lên, dẻo thơm ngào ngạt mùi nếp, lại ngọt như lúa mới trổ đòng. Vừa thưởng thức xôi nếp thơm phức, vừa nhìn ngắm khung cảnh phiên chợ vùng cao, thật không còn gì bình yên hơn.
Tú Lệ cũng là nơi bắt đầu của ngọn đèo Khau Phạ hùng vĩ. Cung đèo được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo của đất nước, Khau Phạ có nghĩa là “sừng trời”. Cả cung đèo dài chừng hơn 20km, thường quanh năm mây mù che phủ, chỉ những ngày nắng đẹp thì đứng trên đèo mới nhìn rõ được hết thung lũng phía dưới.
Mùa nước đổ, thung lũng Cao Phạ như bức họa ai đó đang vẽ dở, từng chấm xanh chấm vàng xen nhau chạy dài quanh khe núi. Tháng 9 thu sang, đèo Khau Phạ lại đón hàng ngàn lượt du khách qua đây để tới La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha. Cả sườn núi, triền đồi ngả sang màu vàng óng ả, từng bậc ruộng nối tiếp nhau đổ từ trên cao xuống như bất tận.
Trên đường đi, chúng tôi còn lang thang vào các bản làng nằm rải rác, xen kẽ theo các thửa ruộng bậc thang. Người dân nơi sống hòa hợp với thiên nhiên. Những đứa trẻ vùng cao luôn rạng rỡ, hồn nhiên như cây cỏ. Cảnh sắc bình yên nơi đây khiến chúng tôi không muốn trở về với phố thị xô bồ, đầy khói bụi. Mênh mang mùa lúa chín hòa quyện trong sự tinh khôi của đất trời và tâm hồn mộc mạc của người dân nơi rẻo cao là dấu ấn khó phai trên hành trình khám phá mùa vàng sơn cước.
Vùng đất này còn được thiên nhiên ưu đãi với những dòng suối nóng lộ thiên rất tốt cho sức khỏe. Sau một ngày dài di chuyển, được ngâm mình trong nước nóng những mệt mỏi, muộn phiền dường như tan biến. Đắm mình giữa thiên nhiên hữu tình, tôi hiểu vì sao mọi người lại nhớ thương vùng đất này đến vậy.
Sau chuyến trải nghiệm đáng nhớ đó, hầu như năm nào tôi cũng quay lại mảnh đất này. Cứ gần đến mùa đổ ải hay mùa lúa chín chốn non cao, chúng tôi lại rục rịch rủ nhau quay trở lại. Mù Cang Chải mỗi mùa một vẻ đẹp mới mẻ, để mỗi chuyến đi chúng tôi đều dặn dò lời hẹn năm sau…
Trích nguồn