Hố sụt Kong Collapse chỉ là bất ngờ đầu tiên trong hành trình 60 giờ khám phá hang động Phong Nha – Kẻ Bàng của Đức Anh.
Kong Collapse, thuộc hệ thống Hang Hổ trong khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, đang gây tranh cãi về việc đây là hố sụt sâu nhất Việt Nam, nhất thế giới. Blogger du lịch Lỗ Hữu Đức Anh (1997) từng trải qua hành trình tại hố sụt này hồi tháng 5/2019.
Đức Anh cho biết, hướng dẫn viên đã giải thích tên tiếng Anh của hố sụt bắt nguồn từ một đoàn thám hiểm nước ngoài đến đây, họ dùng từ collapse để định nghĩa hố sụt, và gọi Kong vì cho rằng hình dáng hố giống đầu con khỉ đột khổng lồ trong phim Kong: Skull Island (2017) từng có cảnh quay ở Quảng Bình. Ảnh: Steven W. Frye.
Hố sụt Kong Collapse là điểm dừng nghỉ đêm đầu tiên trong 3 ngày 2 đêm thám hiểm hệ thống Hang Hổ. Sau 8 km đi bộ từ điểm xuất phát, đoàn đến cửa hang Đại Ả (ảnh), cửa ngõ vào trong hố sụt. Tại đây, Đức Anh chọn cách bơi qua lòng hang. Nếu không bơi, bạn sẽ được dẫn đi bộ theo hướng khác và đu dây xuống lòng đất.
Trong tổng hành trình khoảng 60 giờ, đoàn thám hiểm phải đi bộ hơn 20 km đường rừng, xuyên sâu vào 6,5 km hang động, bơi qua sông ngầm khoảng 500 m với nhiệt độ nước khoảng 17 - 18 độ C.
Vào đến nền hố sụt, trong này đã có một đội porter dựng sẵn lều trại và chuẩn bị bữa ăn.
Đêm nghỉ ở hố sụt Kong Collapse gây ấn tượng với Đức Anh nhất trong các chuyến đi của anh từ trước tới giờ. "Buổi tối, chẳng ai cầm điện thoại vì không có sóng, mọi người quây quần ngồi nghe hướng dẫn viên kể các câu chuyện về núi rừng nơi đây. Ban đầu tôi nghĩ đi hoang dã và thiếu thốn thế này sẽ chỉ được ăn uống qua loa, nhưng bữa ăn chỉn chu có 4 - 5 món khác nhau, sáng ngủ dậy thấy mùi cà phê thơm phức, trà nóng nghi ngút khói đã khiến tôi quên hết mệt mỏi của hành trình ngày đầu tiên", Đức Anh nói.
Ngày thứ hai, đoàn tiếp tục hành trình chinh phục Hang Hổ. Cung đường này phải vượt qua nhiều khe đá bám đầy rêu cỏ trơn truợt, leo xuống vách đá dựng đứng. Vì hành trình nhiều địa hình khó, nên đoàn của Đức Anh 22 người có đến 17 porter hỗ trợ cả về thể chất lẫn tinh thần khách trekking.
"Mình tham gia chuyến này sau khi kết thúc nghĩa vụ quân sự mới 2 tháng, gần 3 năm rèn luyện trong quân ngũ, nhiều khi mình còn thở dốc", Đức Anh tâm sự.
Vào hang Hổ (Tiger Cave), từng người phải leo qua dốc núi đá dựng đứng khoảng 150 m, tiếp cận từ cửa sau của hang. Tại đây, mọi nguời sẽ khám phá thảm thực vật nguyên sơ từ cao xuống thấp, những dòng suối nhỏ len lỏi nền đá.
Bên trong hang Hổ lởm chởm những nhũ đá tự nhiên bám đầy rêu trên dãy thành và trần hang. Tên gọi của hang bắt nguồn từ những hình thù kỳ lạ lõm vào giống dấu chân hổ trong lòng hang động.
Kết thúc chặng khám phá hang Hổ, cả đoàn phải bơi qua lòng hang khoảng 300m, leo qua khu vực đầy đá tảng lớn nhỏ trong bóng tối để đến được cửa trước của hang. Từ đây, đoàn tiếp tục đến hang Over.
Ra khỏi bóng tối hang Hổ, đoàn lại bước vào "màn đêm" của hang Over (Over Cave). Hai hang cách nhau khoảng 15 phút đi bộ.
"Hành trình của những chú đom đóm", Đức Anh liên tưởng từ những đốm sáng nhỏ nhoi của bóng đèn trên đầu mỗi người giữa thinh không tối đen. Do phần lớn thời gian ngày thứ hai cả đoàn đi dưới lòng đất, không ánh sáng tự nhiên nào lọt vào, phải dùng đèn soi đường.
Suốt 3,2km bên trong hang Over là quần thể địa chất lạ mắt được hình thành hàng nghìn năm, với hệ nhũ đá nước còn nhỏ giọt, giếng đá vôi khô, có cả ngọc động (những viên đá tự hình thành từ quá trình kết tủa chất đá vôi).
Bạn có thể bước lên những bậc thang thạch nhũ. Tuy nhiên, mặt đất trong hang nhão bùn do ẩm ướt khiến việc trekking khó khăn hơn các hang khác, Đức Anh nhận xét.
Ra khỏi Hang Over là đến hang Pygmy. Hai hang này nguyên là một vòm động lớn, trải qua quá trình biến đổi địa chất đã tạo ra một hố sụt hẹp nối hai hang phủ thảm thực vật xanh tốt. Đi qua hố sụt này, bạn sẽ tiến vào không gian rộng lớn phía trong hang Pygmy, qua lỗ hổng như hũ nút kia.
Hang Pygmy hiện là hang động lớn thứ 4 trên thế giới, do Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh công bố. Muốn xuống mặt đất cả đoàn phải thả mình qua vách thạch nhũ khổng lồ, được gọi là "Sống lưng khổng lồ". Tổng chiều dài phần sống lưng phải vượt qua là 23m, và độ cao nguyên cả vách đá từ điểm cao nhất xuống đáy khoảng 80m.
Con người nơi đây vô cùng nhỏ bé, cảm tưởng mình sẽ bị nuốt chửng nếu lơ là vài giây, đó là cảm giác của Đức Anh khi đang leo xuống, dù đã được các hướng dẫn viên trang bị dây chuyên dụng và trấn an tinh thần cậu.
Sau những giây phút nghẹt thở leo vách, đi bộ thêm 500 m, cả đoàn sẽ đến khu vực cắm trại ngay cửa chính của hang Pygmy, nơi nghỉ đêm cuối cùng trong hành trình. Tại đây, mọi người được tắm rửa ở dòng suối nhỏ, dùng bữa tối, cùng nhau trò chuyện một đêm trước khi trở về thế giới thực vào sáng hôm sau.
Trích nguồn