Nằm giữa núi rừng Định Hóa, Bảo Linh - hồ nhân tạo lớn thứ hai của tỉnh Thái Nguyên sau hồ Núi Cốc, luôn có làn nước trong xanh như ngọc và vẻ đẹp thơ mộng. Trong suốt hơn 30 năm qua, hồ đã khẳng định được vị trí quan trọng trong điều tiết nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống lũ ống, lũ quét. Tuy nhiên, những tiềm năng khác của hồ, nhất là nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch vẫn chưa được phát huy.
Cảnh đẹp nên thơ với làng quê ven hồ Bảo Linh
Hồ Bảo Linh thuộc địa phận hai xóm Liên Minh, Quế Linh, xã Bảo Linh - phía Tây Bắc huyện Định Hóa - cách trung tâm TP. Thái Nguyên khoảng 60km. Nhắc đến việc xây dựng hồ, nhiều người cao tuổi ở xã Bảo Linh vẫn còn tự hào về tinh thần đoàn kết, hết lòng vì sự nghiệp chung của nhân dân địa phương.
Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Bảo Linh có ghi: Ngày 14/3/1988, Đảng ủy xã ra quyết định thành lập Ban vận động đền bù và di dân vùng dự án lòng hồ Bảo Linh, do ông Ma Công Lượng làm Trưởng ban, để lãnh đạo, chỉ đạo huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị làm công tác dân vận. Công tác tuyên truyền được thực hiện hiệu quả nên nhân dân đồng thuận, toàn bộ 75 hộ trong vùng ngập lòng hồ tự nguyện di chuyển đến nơi cư trú mới. Tất cả các hộ đều được hỗ trợ vốn để xây dựng nhà cửa, chuồng trại…
Du khách có thể đi thuyền thưởng ngoạn cảnh đẹp hồ Bảo Linh
Ông Trần Văn Lượng, hơn 70 tuổi, Trưởng xóm Liên Minh, nhớ lại: Lúc đó, gia đình tôi cũng nằm trong khu vực lòng hồ. Ban đầu tôi cũng băn khoăn, tiếc nuối, bởi toàn bộ đất đai, nhà cửa bao công gây dựng sẽ nằm dưới hồ nước sâu. Nhưng gia đình tôi cùng bà con đều hiểu hồ có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác thủy lợi, vì thế ai nấy đều bảo nhau sớm di chuyển để phục vụ thi công công trình. Khoản tiền được hỗ trợ tuy không lớn nhưng cũng là nguồn động viên để bà con tạo lập cuộc sống mới.
Sau khi ổn định cuộc sống cho bà con, tháng 10/1988, đập ngăn hồ Bảo Linh được xây dựng. Đến cuối năm 1989, đầu năm 1990, đập ngăn bắt đầu tích nguồn nước sông Chu tạo nên một vùng hồ mênh mông, rộng lớn. Hiện nay, hồ có diện tích mặt nước gần 82ha, độ sâu bình quân là 17,8m, có khả năng điều tiết nước tưới cho 740ha lúa hai vụ của các xã vùng hạ lưu gồm: Định Biên, Đồng Thịnh, Trung Hội, Trung Lương, Bình Yên, Bảo Cường. Từ khi có hồ, hiện tượng lũ ống, lũ quét trên sông Chu cũng không còn nữa.
Thời gian thấm thoát đã hơn 30 năm trôi qua kể từ ngày hình thành hồ Bảo Linh. Mới đây, đập tràn của hồ đã được nâng cấp kiên cố. Những tuyến đường uốn lượn quanh hồ được đổ bê tông chắc chắn, hai bên đường là những ngôi nhà xây kiên cố, khang trang, với kiến trúc hiện đại. Còn hồ vẫn vậy, nước xanh biếc tĩnh lặng, ôm ấp những cánh rừng keo, vườn cọ, đồi chè xanh ngát.
Với vẻ đẹp ấy, bao năm qua hồ Bảo Linh làm mê mẩn du khách đến thưởng ngoạn. Tiềm năng du lịch của hồ đã được khẳng định khi hồ nằm trong quần thể các khu du lịch danh thắng, lịch sử của huyện Định Hóa. Đặc biệt, hồ rất gần di tích nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại xóm Bảo Biên. Đại tướng cùng gia đình sống và làm việc ở đây từ năm 1949 đến 1954 và được Bác Hồ đến thăm. Di tích nơi ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các di tích khác ở xã Bảo Linh thường xuyên tiếp đón du khách thập phương đến tham quan.
Chị Ma Thị Thu Hoài, chủ nhà hàng Sóng Hồ - một cơ sở dịch vụ ở hồ Bảo Linh, chia sẻ: Tôi đã tiếp đón du khách thập phương đến tham quan hồ từ hàng chục năm nay. Du khách đến đây có thể lựa chọn đi xuồng máy thưởng ngoạn cảnh đẹp trên hồ, tổ chức cắm trại, thưởng thức các món ăn dân tộc, hay nghe các làn điệu hát then, đàn tính của bà con dân tộc Tày…
Tuy nhiên, nhiều năm qua, chị Hoài vẫn trăn trở vì hoạt động du lịch tại đây vẫn như… hàng chục năm trước, lượng khách chưa đông, chủ yếu là các “phượt thủ”, “cần thủ” hoặc nhóm nhỏ tự phát. Những khó khăn ngăn trở việc phát triển du lịch ở vùng hồ Bảo Linh như: Hồ cách xa đường quốc lộ, giao thông đi lại chưa thuận tiện; thiếu các cơ sở lưu trú chất lượng cao, khu vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch ven hồ cũng như thiếu liên kết với các tua, tuyến du lịch khác… vẫn chưa có giải pháp khắc phục.
Việc phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản trên hồ cũng là một trăn trở của địa phương. Năm 2014, nhằm khai thác tiềm năng nuôi trồng thủy sản của hồ Bảo Linh, dự án nuôi cá lồng trên hồ được triển khai. Người dân được hỗ trợ giống cá diêu hồng, hồ hởi hưởng ứng làm 10 trại với gần 40 lồng cá trên hồ, đồng thời thành lập HTX nuôi trồng thủy sản hồ Bảo Linh. Dự án đạt kết quả ban đầu rất tốt, cá ít mắc bệnh, tỷ lệ sống cao, nhưng việc tiêu thụ lại gặp khó khăn.
Anh Đặng Văn Tong, Trưởng xóm Quế Linh, cho biết: Khi cá diêu hồng đến kỳ xuất bán, chúng tôi không tìm được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên phải bán nhỏ lẻ tại địa phương, mỗi ngày chỉ được 10-20 con mà mất rất nhiều công chạy chợ. Vì lý do đó, hiện nay người dân đã chuyển sang nuôi các loại cá khác trong lồng, chủ yếu là cá trắm, chép, trôi…
Người dân xóm Quế Linh thu hái chè tại khu đồi sát hồ Bảo Linh
Nhằm phát huy tiềm năng của hồ Bảo Linh, năm 2015, UBND tỉnh đã quy hoạch khu vực hồ vào Khu du lịch lịch sử - sinh thái liên hoàn Chùa Hang - Nhà tù Chợ Chu - hồ Bảo Linh. Hồ được quy hoạch trở thành một khu du lịch sinh thái với đầy đủ các dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, ẩm thực… Mặc dù đến nay chưa thu hút được nhà đầu tư nhưng hy vọng trong tương lai không xa, Dự án khu du lịch sinh thái hồ Bảo Linh sẽ trở thành hiện thực, tạo sự đổi thay cho nơi này.
Chủ tịch UBND xã Bảo Linh Hoàng Văn Trường chia sẻ: Chúng tôi hiểu hồ Bảo Linh như viên ngọc quý sáng lấp lánh giữa rừng thẳm. Nhưng để phát huy được thế mạnh của viên ngọc ấy, địa phương cần nguồn lực đầu tư của các cấp, ngành chức năng, đặc biệt là các doanh nghiệp có kinh nghiệm về du lịch, nghỉ dưỡng…