Những giả thuyết về sự hình thành của các cột đá này khiến người ta vô cùng ngạc nhiên. Australia có rất nhiều kỳ quan thiên nhiên đáng kinh ngạc, một trong số đó phải kể tới những cột đá kỳ lạ trong sa mạc Pinnacles, thuộc công Công viên Quốc gia Nambung gần Cervantes.
Những cột đá vôi này có muôn hình vạn trạng, nằm rải rác trong sa mạc, niên đại hàng nghìn năm, tạo nên quang cảnh đáng kinh ngạc. Có những cột đá cao tới 5m, nằm rải rác ngẫu nhiên trong sa mạc khô hạn.
Khu vực này là nơi có nhiều dấu tích sinh vật biển kỳ lạ cách đây khoảng 25.000 đến 30.000 năm.
Những cột đá và khu vực xung quanh nó là nơi rất quan trọng đối với các thổ dân sống tại đây. Thổ dân sinh sống tại vùng này là người Nyoongar. Đối với họ, các cột đá nhọn rất linh thiêng về mặt tinh thần.
Vào mùa mưa, sông Nambung tràn nước ra xung quanh, tạo nên các hố nước nhỏ khắp công viên. Nước cũng chảy vào các hang động, đóng vai trò quan trọng trong sự tồn tại của bộ lạc suốt hàng trăm năm.
Ngoài ra, mối liên hệ tâm linh của những thổ dân này cũng được gắn với những người phụ nữ trong bộ tộc. Có rất nhiều truyền thuyết lưu truyền tại đây, người dân địa phương nói rằng, các tảng đá lớn là dấu tích của những hồn ma đã hóa thạch.
Đó là những chàng trai trẻ đi lang thang vào sa mạc linh thiêng, nơi chỉ dành cho phụ nữ. Các vị thần trừng phạt họ bằng cách chôn sống và hình thành những tượng đá vôi sừng sững.
Nơi này vẫn là một khu vực quan trọng đối với phụ nữ, họ tụ tập tại đây để thực hiện các nghi lễ truyền thống hay sinh con.
Nếu tới đây, bạn có thể đi bộ ngắm cảnh hoặc lái xe quanh những con đường mòn Pinnacles, bạn sẽ bất ngờ trước những cột đá cao kỳ lạ. Điều tuyệt vời nữa là sa mạc này gần biển, sau khi tham quan xong, bạn có thể bơi lội ở vùng biển gần đó.
Nguồn gốc hình thành các cột đá vôi trong sa mạc Pinnacles
Có khá nhiều giả thuyết mô tả chi tiết sự hình thành của các cấu trúc đá tự nhiên này. Dưới đây là 3 giả thuyết được mọi người công nhận hợp lý nhất:
1. Hình thành do Karstification
Giả thuyết này cho rằng, các cột đá vôi hình thành do quá trình kar hóa, đó là sự phân hủy của các mảnh đá vôi Tamala. Thời tiết, khí hậu làm cho nó thay đổi theo thời gian, cả về kích thước và vị trí nằm rải rác.
2. Phôi cây bị chôn vùi trong lòng đất
Giả thuyết thứ 2 cho rằng, sự hình thành này là do phôi cây cối bị chôn vùi dưới mặt đất, rễ cây đâm xuyên qua lớp đất. Sau khi cây chết, nó để lại những vết nứt trên mặt đất.
Khí hậu ở phía tây Autralia ấm và khô, gió cuốn cát bay khắp nơi, tạo ra sự sụt giảm các lớp đất. Tuy nhiên, các vết nứt của rễ đâm thủng trong các caliche (một loại đá trầm tích) vẫn còn, khiến những thứ tiếp xúc với caliche trở thành các cột đá Pinnacles.
3. Dòng chảy ồ ạt của thực vật
Giả thuyết thứ 3 cho rằng, các cột đá trong sa mạc Pinnacles được tạo ra bởi thực vật. Do thực vật hút nước qua đất đến rễ, các khoáng chất và chất dinh dưỡng khác cũng bị hút, gây ra 'dòng chảy khối lượng lớn' bao quanh rễ.
Canxi là một trong những chất dinh dưỡng quan trọng, theo thời gian gây ra sự tích tụ tạo thành caliche. Sau khi thực vật chết, khí hậu và thời tiết gây ra hiện tượng sụt lún ở mặt đất, hình thành nên một lớp giống như xi măng bao quanh rễ cây, tạo ra các cột đá Pinnacles.
Trích nguồn