Đến Gia Lai du khách có thể ngắm thác K50 hùng vĩ, đồi cỏ hồng Chư Sê hay hòa mình vào đêm hội cồng chiêng rộn ràng trên núi Đá.
Phạm Công Quý (28 tuổi), quê ở Gia Lai, làm nghề chụp ảnh và hướng dẫn viên du lịch tự do, thường xuyên review địa danh nổi tiếng và điểm đến mới lạ tại Gia Lai trên group Du lịch Pleiku - Gia Lai.
Ngày 8/8, Công Quý đến đồi cỏ hồng trong tiết trời se lạnh trên đỉnh đèo Chư Sê, giáp ranh giữa 2 huyện Chư Sê, Phú Thiện, Gia Lai. Bức ảnh nằm trong bộ ảnh do Quý chụp trong những năm gần đây mang gam màu tươi sáng, cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng với hy vọng mang tới sự lạc quan cho người xem trong mùa dịch.
Quý đam mê nhiếp ảnh và du lịch bởi qua quá trình đi nhiều nơi chụp ảnh, anh nhận ra quê hương thật đẹp, từ đó thêm yêu và trân trọng nhiều hơn về cuộc sống xung quanh.
Bạn Huyền, sống tại Pleiku, chụp ảnh lưu niệm trước phong cảnh ruộng bậc thang Chư Sê đang chuyển màu vàng đúng tháng 8 này. Đây là khu ruộng bậc thang được cho là đẹp không thua kém so với vùng cao miền Bắc. Từ nhiều đời nay, người dân tộc Jrai sống tại đây cải tạo đất quanh sườn đồi tạo thành những bậc thang để mở rộng vùng canh tác, thâm canh lúa nước.
Biển Hồ chè huyện Chư Pah huyền ảo trong màn sương trắng. Nằm trên bờ bắc của Biển Hồ, Biển Hồ chè là tên gọi người dân Pleiku đặt tên cho nơi đây, là sự kết hợp giữa hồ nước thủy lợi và nương chè bạt ngàn. Đây cũng chính là đồn điền chè đầu tiên của người Pháp ở Gia Lai, hình thành từ những năm 20 thế kỷ trước.
Nhắc đến phố núi Pleiku, du khách thường nhắc đến vẻ đẹp của Biển Hồ, còn gọi hồ T’Nưng, gắn với câu hát “đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”. Mùa khô đến, ven hồ lộ dần các dải đất đỏ bazan cùng nhịp sống của ngư dân trên mặt hồ mang đến bức tranh yên bình của “một trong những hồ tự nhiên đẹp nhất Tây Nguyên”.
Công trình thủy điện Yaly hùng vĩ nằm bên dòng Sê San xanh biếc, bao quanh là rừng núi trùng điệp. Trên tuyến du lịch này, du khách đi thuyền trên sông Sê San, chiêm ngưỡng cảnh rừng núi Tây Nguyên và kết hợp ghé thăm làng dân tộc Jrai.
Thác Hang Én (hay K50) nổi tiếng trên bản đồ du lịch Gia Lai trong những năm gần đây, nằm trong khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện K’bang. Thác Hang Én cao 50 m với dòng chảy mạnh, tung bọt trẳng xóa, dưới chân thác là những khối đá xếp chồng lên nhau. Bức ảnh trên được Quý chụp tháng 3/2021 vào lần đầu tiên đến đây, anh choáng ngợp bởi sự hùng vĩ của cảnh quan với dòng thác bạc như dải lụa trắng, đặt máy ở góc nào cũng có tầm nhìn đẹp.
Gia Lai sở hữu nhiều thác đẹp, trong đó thác Phú Cường thuộc xã Ia Pal, huyện Chư Sê, được đánh giá là “đệ nhất thác ở Gia Lai”. Từ trung tâm hành chính Chư Sê, du khách rẽ trái theo QL 25 khoảng 5 km là thấy biển báo chỉ đường vào thác.
Đáng chú ý thác Phú Cường chảy trên nền của một ngọn núi lửa đã dừng hoạt động từ cách đây hàng triệu năm. Những cột nước khổng lồ đổ xuống từ độ cao 45 m vang vọng một góc rừng, nếu may mắn bạn sẽ bắt được khoảnh khắc cầu vồng xuất hiện dưới chân thác.
“Trong lúc đang săn ảnh rừng lá vàng, đỏ trong nắng chiều thì bắt gặp cậu bé dẫn đàn bò trở về, ký ức tuổi thơ chợt hiện về trong khung hình nhiều cảm xúc”, Quý chia sẻ.
Bọn trẻ chơi đùa hồn nhiên bên khung cảnh làng quê thuộc xã Ayun, huyện Chư Sê. Đây là một trong những bức ảnh đáng nhớ nhất của Quý, chụp năm 2015, là động lực để theo đuổi niềm đam mê chơi ảnh.
Dãy hoa dã quỳ khoe sắc vào tháng 11/2020 hai bên đường tham quan núi lửa Chư Đăng Ya. Ngao du ở đây, du khách có thể dễ dàng làm quen với người dân Jrai ở làng Ia Gri nằm dưới chân núi.
“Khi cơn bão vừa đi qua, dã quỳ mong manh nằm rạp xuống khá nhiều, đang buồn vì cảnh quan như thế thì bất ngờ gặp ba cậu bé người Jrai đạp xe tới, khung cảnh trở nên sinh động nên tôi liền chộp nhanh khoảnh khắc đáng yêu của chúng”, Quý chia sẻ kỷ niệm.
Cô gái trong trang phục người Dao tại Chư Prông. Trên địa bàn huyện Chư Prông có 18 thành phần dân tộc sinh sống (gồm người Dao), trong đó dân tộc Kinh và Jrai chiếm đa số. Các nhóm dân tộc cùng sinh sống tại huyện Chư Prông tạo nên khu vực giàu bản sắc, đa dạng văn hóa, dân tộc.
Nếp sinh hoạt truyền thống, biểu diễn cồng chiêng của người Jrai trên núi Đá lúc hoàng hôn. Núi Đá cách ngã tư đường tránh Pleiku khoảng 6 km, cao khoảng 830 m, phía trên có địa hình thoai thoải, có thể quan sát được bốn phía, hồ nước trong xanh giữa các ngọn đồi và các khu rừng thông xanh tươi trải dài đến huyện Ia Grai.
Trích nguồn