Cảnh trang trại Truông Gia Vấn, đầm nước ở Phước Thuận, gặt lúa ở Phước Hòa qua góc chụp từ trên cao.
Sương sớm trên những cánh đồng ngập nước xung quanh các cụm dân cư ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước (dưới), ngăn cách với Quy Nhơn bởi quốc lộ 19C. Bức hình nằm trong bộ ảnh "Cảnh sắc miền quê Bình Định" do anh Nguyễn Phan Dũng Nhân, quê ở Tuy Phước, thực hiện. Đây có thể là một gợi ý cho du khách đến với xứ Nẫu mùa hè này, vừa du lịch vừa tham gia giải chạy thường niên VnExpress Marathon Sparkling Quy Nhơn 2022.
Trang trại Truông Gia Vấn non xanh nước biếc được ví như "Tràng An của Bình Định". Trang trại thuộc thôn Gia Vấn, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ. Đây là khu vườn sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng nhà vườn theo tiêu chuẩn “nước sạch, không khí sạch và đất sạch”, nép mình bên hồ Hội Khánh và dãy núi Đá Trải.
Anh Dũng Nhân chia sẻ vì quá yêu những khung hình, nhịp sống làng biển, miền quê nên khi có thời gian là anh quay chụp lại cảnh đẹp từ trên cao.
Trên ảnh là những nương lúa chín vàng bao quanh khu dân cư ở vùng cao huyện An Lão. Người dân sinh sống nơi đây chủ yếu là dân tộc Kinh, Hre, Ba Na. Người địa phương luôn chú trọng bảo vệ môi trường, giữ gìn thôn, xóm, làng, mở ra nhiều tiềm năng khai thác du lịch cộng đồng, theo định hướng phát triển du lịch khu vực phía bắc của tỉnh Bình Định (gồm thị xã Hoài Nhơn, các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân và An Lão).
Cụm dân cư giữa cánh đồng lúa bao la như tranh vẽ tại xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước.
Đầm Thị Nại là nơi anh Dũng Nhân chụp nhiều nhất vì có nhiều bối cảnh nhịp sống đời thường. Đây là đầm nước mặn lớn nhất của Bình Định, được xem là "vườn ươm" của các loài thủy sản, trải dài từ cực bắc huyện Tuy Phước đến thành phố Quy Nhơn và thông ra biển bằng cửa Giã, tức cửa Thị Nại.
Một trong những hoạt động mưu sinh bắt cá trên đầm Thị Nại là quay rớ. Công cụ của ngư dân gồm nhà chồ và tấm rớ. Rớ được dựng đứng bởi bốn cây sào tre dài, ở giữa chùng xuống hình lòng chảo. Người dân kéo rớ lên sau vài giờ ngâm dưới nước để đánh bắt cá tôm.
Ngư dân bắt con cơm cháy, một loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ đóng thành từng mảng vào đá, cây mục dưới đầm, đem về làm thức ăn nuôi tôm hùm. Ảnh chụp phía trước nhà thờ Làng Sông thuộc xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước.
Nhịp sống đời thường ở Phước Thuận như biến thành một tác phẩm nghệ thuật, ngư cụ nổi bật trên màu nước xanh.
Khi đàn trâu trở về - ảnh chụp tại Phước Thuận. "Phong cảnh quê hương là chất ảnh tôi đam mê, ngoài việc lưu lại phục vụ cho công việc, tôi cũng muốn chia sẻ khung cảnh bình dị này đến mọi người", anh Dũng Nhân nói.
Ngư dân chèo thuyền thúng, quây lưới bảo vệ rong mơ tại làng chài Nhơn Hải. Nhơn Hải, cách trung tâm phố biển Quy Nhơn khoảng 30 km, vốn là điểm đến nổi tiếng. Vùng biển nơi đây đẹp hơn vào khoảng tháng 4 - 8 hàng năm, khi rong mơ vươn mình lên mặt nước trong xanh.
Anh Dũng Nhân cho biết, gần đây người dân ý thức không khai thác ồ ạt mà cùng chính quyền địa phương bảo vệ rong mơ. Từ đó sinh cảnh tự nhiên ngày càng phát triển, thu hút du khách, nhiếp ảnh gia đến tham quan, sáng tác.
Người dân thu hoạch đậu phộng ở xã Cát Hải, huyện Phù Cát. Đậu phộng cùng với hành lá là hai cây làm giàu cho người dân xứ biển Cát Hải.
Đầu tháng 4/2022, cán bộ, chiến sĩ huyện Phù Cát cùng người dân thu hoạch vụ lúa đông xuân do mưa giông lớn trái mùa tại xã Cát Tân.
Mùa vàng bội thu ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. “Lang thang chụp ảnh vùng quê, tôi thấy cảnh vật quá đỗi yên bình, tình người ấm áp trong những hoàn cảnh khó khăn. Vừa thực hiện các phóng sự ghi hình phục vụ công việc chuyên môn, tôi vừa kết hợp chụp ảnh. Đây là những tư liệu quý, kỷ niệm khó quên”, anh Dũng Nhân bộc bạch.
Trích nguồn