"Phú Yên có đỉnh Cù Mông/Có hòn Nhạn Tháp, có dòng sông Ba/ Có cô con gái Tuy Hòa/ Con trai Phường Lụa, ông già La Hai", là câu ca dao của người xứ Nẫu. Xứ "hoa vàng trên cỏ xanh" những cảnh quan thơ mộng, từ rừng núi đến đồng bằng, làng quê thanh bình, biển đảo... Nơi đâu cũng hẹp hút hồn.
Tháp đôi Nghinh Phong
Tháp Nghinh Phong tọa lạc trên bãi biển thuộc phường 9 thành phố Tuy Hòa, Phú Yên. Công trình gồm hai tháp liền kề, mỗi tháp có 50 khối đá, tượng trưng cho 100 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Tòa tháp gây ấn tượng với điểm nhấn được tạo hình ghềnh Đá Đĩa, ốp đá granite. Về đêm, nơi này được chiếu sáng bởi công nghệ Bobine Tesia, 3D mapping và laze cường độ cao tạo nên vũ điệu ánh sáng đa sắc màu. Gió thổi thồi qua khe hẹp giữa hai tòa tháp tạo thành những âm thanh như bản nhạc của thiên nhiên. Thời tiết đang là mùa hè nên phối cảnh đẹp mắt với bầu trời trong xanh, nắng vàng dễ cho ra đời bức ảnh đẹp.
Màn đêm buông xuống, tháp Nghinh Phong hoà vào bức tranh tổng thể phát triển mạnh mẽ của Phú Yên mười năm trở lại đây.
Đầm Ô Loan
"Lấy chi vui với thu tàn/Phú Câu cước cá, Ô Loan miếng hàu" là câu hát du khách bạn sẽ được nghe khi về với đầm Ô Loan.
Ngư dân thăm hàu sữa trên đầm Ô Loan.
Gành Đá Đĩa
Gành Đá Đĩa ở Phú Yên là 1 trong 5 gành đá đĩa trên thế giới có hiện tượng nham thạch phun trào tạo ra hình thù đẹp cùng với núi đá Giant’s Causeway ở bờ biển Đông Bắc Ireland, ghềnh đá Órganos ở đảo La Gomera của Tây Ban Nha, hang động Fingal ở đảo Staffa, Scotland hay ghềnh đá đĩa Jusangjeolli của Hàn Quốc.
Du khách có thể đi bằng đường hàng không hoặc tàu lửa đến Tuy Hòa. Từ đó chạy xe dọc quốc lộ 1A về phía Bắc chừng 30km, đến thị trấn Chí Thạnh rẽ phải về phía Đông chừng 12km là đến gành Đá Đĩa. Du khách cũng có thể đi theo cung đường ven biển, từ Tuy Hòa đến gành đá với hơn 35km, ngắm cả biển và núi rất thơ mộng.
Gành Đèn
Nằm cách gành Đá Dĩa chừng 10 phút đi bộ là ngọn hải đăng Gành Đèn. Đây là ngọn hải đăng nhỏ, nằm ở một vị trí đắc địa, có thể dễ dàng định hướng cho thuyền bè vào ra Vịnh Xuân Đài gần đó.
Tên ban đầu của nơi đây là gành Đá Đen, nhưng từ khi những ngọn hải đăng được xây dựng lên thì ngư dân quen gọi là gành Đèn. Nằm trải dọc theo đường bờ biển chừng 1km, gành Đèn được tạo tác từ những tảng đá hồng nhạt xếp chồng lên nhau một cách ngẫu nhiên, nhìn từ xa chẳng khác nào bức tranh tuyệt mỹ mà thiên nhiên vẽ nên.
Ngọn hải đăng có chiều cao 10m, nằm cách mực nước biển 22m và có tầm đèn chiếu sáng trong phạm vi 17 hải lý, hải đăng ở gành Đèn để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách.
Nhà cổ Quảng Đức xưa
Đặt chân đến Nhà cổ Quảng Đức xưa (huyện Tuy An), bạn có thể chiêm ngưỡng kiến trúc nhà cổ miền Trung với 3 ngôi nhà cổ (Nhà quan tổng trấn, nhà Quảng Đức, nhà Ô Loan) và chiêm ngưỡng các sản phẩm gốm được làm từ nguyên liệu đất sét kết hợp vỏ sò của vùng đất Tuy An.
Gốm Quảng Đức làm từ đất sét nâu tại địa phương, nung bằng củi. Vỏ sò huyết đầm Ô Loan dùng để bao quan bề mặt gốm thô. Khi nung ở nhiệt độ cao, vỏ sò tan chảy bám nhuyễn vào bề mặt gốm tạo thành men có hoa văn họa tiết tự nhiên. Thêm vào đó, đất sét làm gốm có hai màu xanh rêu và vàng nên sản phẩm gốm chín cũng có nhiều màu khác nhau, pha với màu men tạo nên sự kỳ thú riêng của gốm Quảng Đức.
Đặc sản trong không gian này chính là trứng ủ trà xanh chấm với muối trà xanh.
Nhà thờ Mằng Lăng
Nằm cách thành phố Tuy Hòa 35km về phía Bắc, nhà thờ Mằng Lăng là một trong những nhà thờ cổ, được xây dựng vào năm 1892 tại xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Với lối kiến trúc Châu Âu, nhà thờ Mằng Lăng là một di tích lịch sử đẹp và nổi tiếng, xứng danh là một trong những địa danh nên đến của vùng đất xứ “Hoa vàng trên cỏ xanh”.
Tại nhà thờ mằng Lăng còn lưu giữ cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam “Phép giảng tám ngày” của linh mục Alexandre de Rhodes in năm 1651 tại Roma, Italia.
Thác Vực Hòm
Không chỉ có gành Đá Đĩa, bãi Xép, vịnh Xuân Đài hay những bãi biển tuyệt đẹp, Phú Yên còn có thác Vực Hòm hoang sơ, hùng vĩ nép mình bên những cột đá bazan. Check-in thác Vực Hòm để được đắm mình giữa thiên nhiên tươi đẹp là trải nghiệm tuyệt vời.
Thác Vực Hòm nằm ở thôn Vĩnh Xuân, xã An Lĩnh, huyện Tuy An, cách thành phố Tuy Hòa 30km về phía Bắc. Để đến được nơi đây, du khách phải trải qua những con đường uốn lượn lởm chởm đá và những con dốc quanh co.
Những cột đá bazan ở đây có cấu tạo địa chất đặc biệt, rất cao và lớn xếp chồng nhìn tựa như cấu trúc của ghềnh Đá Đĩa. Thác cao khoảng 20m, nước đổ từ đỉnh thác tạo nên một dải lụa tung bọt trắng xóa, ánh mặt trời chiếu rọi càng khiến con thác trở nên lung linh huyền ảo.
Dưới chân thác Vực Hòm có một hồ nước rộng và trong vắt được bao quanh bởi vách đá lớn và những tán rừng xanh mướt tạo nên một bức tranh phong cảnh sơn thủy hữu tình. Đầu tiên bạn nên chọn thời điểm check-in phù hợp, tốt nhất là nên đi dịp cuối năm tháng 11, 12 hoặc các tháng 1, tháng 2 vì lúc này thời tiết mát mẻ, lượng nước trên thác dồi dào. Trước khi đi hãy chuẩn bị quần áo dài, mũ, nón, đồ tắm nếu muốn tắm, thoa kem chống nắng, thuốc chống côn trùng, nước uống…
Hòn Yến
Hòn Yến thuộc thôn Nhơn Hội, huyện Tuy An, cách TP Tuy Hòa khoảng 20km về phía Bắc.
Du khách sẽ có trải nghiệm tuyệt vời với những bức ảnh "sống ảo" đẹp ngất ngây với khung cảnh nơi đây.
Tháng 4/2018, quần thể danh thắng Hòn Yến đựợc Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận nơi đây là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Thắng cảnh này bao gồm Hòn Yến, Hòn Đụn, Bàn Than, Gành Yến, Hòn Choi, Vũng Choi tạo thành tuyệt tác thiên nhiên bên bờ biển. Điểm nhấn rõ nét nhất là Hòn Yến nằm chỉ cách bờ vài trăm mét. Theo người dân địa phương, thuở xưa nơi đây loài chim yến thường xuyên bay về trú ngụ, cái tên xuất phát từ điều này.
Nếu may mắn, bạn sẽ được ngư dân chỉ chỗ có tổ yến tự nhiên.
Nếu đi đúng dịp rằm, du khách sẽ được ngắm nhìn bãi san hô nhô lên khỏi mặt nước.
Bình minh Hòn Yến.
Đây là địa chỉ tìm đến sáng tác của nhiều nhiếp ảnh gia.
Ngư dân Hòn Yến dọn lồng tôm hùm.
Đền thờ cụ Lương Văn Chánh
Danh nhân Lương Văn Chánh là người Bắc Hà, dưới triều vua Lê Thế Tông được phong chức Thiên Vũ vệ Đô chỉ huy sứ. Năm Mậu Dần – 1578, Lương Văn Chánh được chúa Nguyễn Hoàng cử vào ổn định vùng đất từ đèo Cù Mông đến đèo Cả. Nhờ có công lớn, ông được thăng chức Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, sau làm Trấn Biên quan. Sau đó ông chiêu tập lưu dân vùng Thanh – Nghệ, Thuận Hoá và các nơi khác đến khai phá đất hoang, kết lập gia cư, làng mạc ở vùng Cù Mông, Bà Đài và dọc theo sông Đà Rằng. Ông đem kinh nghiệm khẩn hoang vào áp dụng ở Phú Yên, cùng với người dân làm cho vùng đất này trở nên trù phú, làng xóm dần được hình thành. Đây là cơ sở để chúa Nguyễn lập ra phủ Phú Yên vào năm 1611.
Hàng năm, vào ngày mùng 6/2 và ngày 19/9 (Âm lịch), Phú Yên tổ chức Lễ hội Đền thờ Lương Văn Chánh với sự tham gia của đông đảo nhân dân và thu hút nhiều du khách đến tham quan tìm hiểu.
Đền thờ Lương Văn Chánh nằm ở địa hình thông thoáng, phía trước là sông Bến Lội, phía sau là núi Cấm. Trong khuôn viên còn có cây bồ đề cổ thụ cành lá xum xuê, che mát cả một góc đền, được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản Việt Nam năm 2014.
Di tích khu Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 27/9/1996.
Trích nguồn