Việt Nam “rừng vàng biển bạc” và khám phá hết các cảnh đẹp ở Việt Nam thì 12 tháng không thể đủ. Và đi địa điểm nào và thời điểm nào luôn là 1 vấn đề đau đầu của nhiều người. Dưới đây là cẩm nang 12 tháng du lịch Việt Nam để các bạn nắm bắt và lên kế hoạch ngay cho các mùa thu, đông xuân năm 2023 và 2024.
Du lịch tháng 1
Đà Lạt mùa mai anh đào
Điểm đến Việt Nam lý tưởng nhất vào tháng 1 phải kể đến Đà Lạt mùa hoa anh đào. Với người Đà Lạt, mai anh đào luôn là mùa hoa đẹp nhất trong năm của thành phố. Từ cuối đông, cây bắt đầu rụng hết lá, chìa ra những cành khẳng khiu rồi bất ngờ đơm bông, nở hoa rực rỡ khi mùa xuân về. Đây cũng chính cũng là mục đích du lịch Đà Lạt của hội mê sống ảo từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 1. Khi ấy, thành phố bỗng được bao phủ bởi sắc hồng mộng mơ khắp nẻo đường, mang lại cảm giác tươi mới, tràn đầy năng lượng cho một mùa xuân rạng rỡ.
Mỗi thời khắc trong ngày, mai anh đào lại mang một vẻ đẹp khác nhau. Vào buổi sớm mai, những giọt sương còn đọng lại trên những cánh hoa đem đến cho mai anh đòa một vẻ đẹp mỏng manh, đầy huyền bí. Đến khi nắng lên, những cánh hoa ấy lại trở về với màu sắc thật của mình với màu hồng phấn, phất phơ trong gió khiến bao tâm hồn cứ mãi vấn vương không nỡ rời bước.
Hoa mơ, hoa mận ở Mộc Châu
Một điểm đến Việt Nam trong tháng 1 mà bạn không thể bỏ lỡ chính là Mộc Châu với mùa hoa mận, hoa mơ trắng tinh khôi. Phải đến tận nơi thì bạn mới biết Mộc Châu lúc ấy quả thật là thiên đường.
Giữa một khoảng không gian bao la xanh mát của bầu trời và núi rừng trung du bỗng xuất hiện những mảng màu trắng tinh khôi của những cánh hoa mơ, hoa mận mong manh ẩn hiện trong sương mù.
Chỉ cần cơn gió mạnh thổi qua cũng dễ dàng cuốn bay những cánh hoa ấy vào không trung tạo nên khung cảnh lung linh, huyền ảo cho cao nguyên Mộc Châu mà chẳng nơi nào sánh được.
Sa Đéc muôn hoa đua nở
Những ai muốn được ngắm nhìn vẻ đẹp trăm hoa đua nở không thể bỏ qua làng hoa Sa Đéc – vựa hoa lớn nhất khu vực Nam Bộ, đặc biệt vào dịp Tết đến xuân về. Làng hoa Sa Đéc thuộc xã Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Đây là một làng nghề truyền thống cả trăm năm, nằm bên bờ sông Tiền quanh năm lộng gió, màu mỡ phù sa, ngập tràn ánh nắng và được mệnh danh là xứ sở của các loài hoa kiểng. Thổ nhưỡng và khí hậu tốt giúp các loài hoa đẹp đua nhau tỏa sắc khoe hương.Làng hoa Sa Đéc có tới khoảng 2.000 loài hoa khác nhau và gần 2.000 hộ dân làm nghề, đóng góp phần lớn trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của thành phố Sa Đéc. Diện tích trồng hoa khoảng 85 ha. Làng hoa Sa Đéc cung cấp số lượng lớn cây và hoa kiểng chơi Tết cho các tỉnh miền Tây và TP.HCM.
Hoa thường được trồng trên các giàn, phía dưới là ruộng nước để tiện tưới tiêu và luôn giữ độ ẩm cho hoa. Người nông dân dùng thuyền di chuyển để đưa hoa từ các giàn lên bờ. Hoa sẽ được tập trung ở cạnh sông Sa Đéc rồi vận chuyển đi bằng xe tải hoặc thuyền. Cứ đến mùa thu hoạch, không khí làng hoa lại trở nên nhộn nhịp, hối hả. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, khách du lịch và các nhiếp ảnh gia bốn phương lại tụ hội về đây thưởng ngoạn sắc hoa và mua sắm cây kiểng chơi xuân. Những thảm hoa rực rỡ sắc màu trải dài mênh mông tuyệt đẹp, làm say đắm lòng người.
Thăm vườn quýt Lai Vung
Lai Vung là huyện nằm ở phía Nam tỉnh Đồng Tháp, từ lâu đã được biết đến là vùng đất hiền hòa, giàu truyền thống văn hóa và tiềm năng du lịch. Lai Vung nổi tiếng với vườn quýt hồng trĩu quả, những con rạch quanh co, uốn khúc mang dấu ấn đặc trưng của vùng sông nước miền Tây Nam bộ.
Là vùng đất nằm giữa hai con sông lớn ở Nam bộ là sông Tiền và sông Hậu, Lai Vung được thiên nhiên ban tặng nguồn nước ngọt và lượng phù sa mầu mỡ, nên từ lâu đã trở thành vùng cây lành, trái ngọt, đặc biệt là trái quýt hồng đặc sản nổi tiếng cả nước. Cách thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp chừng hơn chục km về phía Tây, Lai Vung từ lâu đã được người miền Tây ví như “vương quốc quít hồng”. Từ cổng chào dẫn vào trung tâm huyện đã thấy biểu tượng của vùng đất Lai Vung, đó là trái quýt hồng. Theo những người dân ở đây Quýt hồng được trồng ở đây đầu thế kỷ 20. Ban đầu từ một loại quýt thông thường được mang về đây, thế nhưng khi được trồng ở vùng đất này, thì trái quýt trở nên đặc biệt. Cây quýt ở đây cho trái to, màu hồng tươi, múi lại mọng nước, có mùi thơm dịu và vị ngọt.
Về Lai Vung mùa thu hoạch, du khách được hòa mình vào không khí phấn khởi của bà con nhà vườn. Vào những ngày này, miền quê Lai Vung như nhộn nhịp, rộn ràng hơn. Những chủ nhà vườn, thương lái, nông dân các nhà vườn vừa hái trái, vừa phân loại, đưa đi tiêu thụ. Khách đến thăm vườn còn có thể tham gia vào các hoạt động thu hoạch. Dạo quanh vườn quýt, khách không chỉ được hít thở không khí trong lành tươi mát, mà còn có thể tự tay hái, thưởng thức trái quýt đặc sản vừa hái, một cảm giác dễ chịu hiếm khi có được.
Đến Lai Vung, du khách như cảm thấy lạc vào khung cảnh của những câu chuyện cổ tích, những vườn cây trĩu quả. Màu hồng tươi, vàng rộm của những trài quýt dưới những tán lá xanh luôn tạo nên cảnh sắc vô cùng độc đáo thu hút khách du lịch bốn phương. Đến với Đồng Tháp, trải qua những trải nghiệm ở vùng đất Lai Vung, khách mới cảm nhận hết sự trù phú và vẻ đẹp chân tình mến khách của người dân vùng đất Lai Vung.
Du lịch tháng 2
Ninh Thuận mùa săn nho
Tháng 2 nếu có dịp du lịch Ninh Thuận thì bạn nhất định phải ghé ngang những vườn nho xanh mướt. Thời điểm này những vườn nho Ninh Thuận bắt đầu đón chào một một sắc mới. Đó là màu sắc của ngọn chồi xanh, quả nho tím và chen lẫn những tia nắng vàng.
Tuyệt vời hơn, đây cũng là lúc mà nho phát triển một cách mạnh mẽ, đến nỗi khi đến vườn, bạn chỉ thấy những chùm nho căng mọng treo lơ lửng trên giàn trông cực hấp dẫn và thú vị. Đặc biệt, thời tiết tháng 3 ở điểm đến Việt Nam này không quá nắng, không có mưa nên rất phù hợp để bạn tham gia các hoạt động ngoài trời.
Nha Trang mùa ốc biển
Nếu bạn là một tín đồ của các món ốc biển thì nhất định nên một lần du lịch Nha Trang. Có thể, thành phố biển này không phải là nơi có nhiều quán ốc nhất, nhưng nó nhất định là nơi có nhiều thể loại ốc hấp dẫn nhất.
Tháng 2 là lúc mùa ốc Nha Trang bắt đầu, vì thế du lịch Nha Trang vào dịp này bạn sẽ không chỉ được tận hưởng bầu không khí biển tuyệt vời mà còn được ăn vô vàn những món ốc hấp dẫn, trong đó phải kể đến các loại ốc như ốc bàn tay, ốc giấm, sò huyết, ốc hương… Tất cả sẽ khiến cho các tín đồ ẩm thực mê mẩn cứ muốn ăn hoài ăn mãi mà chẳng thấy chán.
Xuân về trên rừng Anh Đào Tây Bắc
Mỗi dịp xuân về, hoa anh đào trên núi rừng Tây Bắc lại làm say lòng biết bao du khách. Hoa anh đào ở núi rừng Tây Bắc đậm nét hoang sơ và đẹp một cách dung dị. Không giống với những hình ảnh nở rực cả cây chỉ có một màu của hoa, anh đào nơi đây nở thành chùm với cả lộc non và lá xanh, cánh màu hồng phấn. Với nét hoang sơ vốn có vốn có của mình, sắc hoa anh đào khiến núi rừng Tây Bắc càng thêm thi vị.
Săn mây Tam Đảo
Cách thủ đô chưa đầy 2 giờ đi xe máy, Tam Đảo là “chốn bồng lai tiên cảnh” tràn ngập mùi hương đất trời và rừng núi. Tuy săn mây Tam Đảo không quá phổ biến như Sa Pa, nếu đến đúng thời điểm, bạn vẫn có hành trình đáng nhớ. Thời gian từ tháng 11 đến tháng 3 bạn sẽ dễ dàng gặp gỡ khung cảnh mây mù tuyệt đẹp ở nơi đây. Vào sáng sớm, trời nhiều mây và sương. Bạn có thể cảm nhận mây ở ngay trên đầu hay sương sà xuống bên mình và tận hưởng không khí trong trẻo, yên bình. Những điểm săn mây đẹp ở Tam Đảo: Tháp truyền hình, cổng trời, cầu mây, các homestay view ngắm mây đẹp…
Lễ hội khai ấn Đền Trần
Hàng năm, vào dịp đầu năm âm lịch, tại đền thờ các Vương triều nhà Trần thuộc thôn Tức Mặc, xã Lộc Vượng, ngoại thành thành phố Nam Định, dân làng tổ chức Lễ Khai ấn vào một canh giờ Tý (thời điểm chót của ngày 14 và bắt đầu ngày 15 tháng Giêng Âm lịch).
Đền Trần là khu đền thờ các vị vua đời Trần tọa lạc tại đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định (sát quốc lộ 10). Nơi đây vào đúng giờ Tý rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm có lễ Khai ấn. Đền Trần được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1962. Đền Trần là tên gọi chung, bao gồm đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần, được khởi dựng từ thời Hậu Lê và đền Cố Trạch thờ Trần Hưng Đạo, được dựng từ thời Nguyễn.
Lễ Khai ấn đền Trần bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm) ngày rằm tháng Giêng hàng năm. Thời gian gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp lễ hội để xin, mua được tờ ấn với mong ước sẽ được thăng tiến trong nghề nghiệp. Theo hồi cố của các bậc bô lão thì vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, đúng rằm tháng Giêng, trước sân đền Thượng tổ chức nghi lễ Khai ấn và rước kiệu để tế vua Trần với sự tham gia của bảy làng.
Tại đền Cố Trạch, các lão ông lão bà áo dài khăn xếp cùng dân làng tề tựu đông đủ trước lễ thánh, sau tham dự buổi lễ Khai ấn trọng thể. Hòm ấn được đặt trang trọng trên bàn thờ. Trong hòm có hai con dấu bằng đồng. Quả nhỏ trên mặt có hai chữ: “Trần miếu” còn quả lớn có chữ: “Trần triều tự điển tứ phúc vô cương” đều khắc theo kiểu chữ triện.
Đúng giờ Tý (12 giờ đêm) một tràng pháo nổ vang báo hiệu buổi lễ bắt đầu. Một cụ già cao niên đứng ra thay mặt dân làng làm lễ. Tiếp đó, đoàn người rước hòm dấu đi theo nhịp trống nhịp chiêng dưới ánh sáng lung linh của đèn của nến tiến sang đền Thiên Trường tiếp tục làm lễ. Cuối cùng làng tổ chức đóng dấu bằng son đỏ trên các tờ giấy vàng, chia phát cho những người có mặt trong buổi lễ, đưa về treo tại các gia đình để lấy may và xua đuổi mọi rủi ro.
Tại sân đền Thượng, sáng ngày rằm tháng Giêng, dân của bẩy làng là Vọc (Bình Lục), Lốc, Hậu Bồi, Bảo Lộc, Kênh, Bái, Tức Mạc rước kiệu về đây để tế vua Trần. Các làng này có thờ các danh tướng nhà Trần. Vì làng Vọc thờ Trần Thủ Độ ở quá xa nên sau này không phải rước kiệu nữa mà chỉ đưa lễ xuống tham dự. Lễ dâng hương có 14 cô gái đồng trinh, đội 14 mâm hoa quả đi vào đền trong tiếng nhạc lễ dâng lên 14 ngai vua. Nghi thức này phỏng theo cung cách của triều đình phong kiến xưa. Những năm chẵn, hội mở to hơn những năm lẻ. Song không đợi đến chính hội, khách thập phương đã nô nức trẩy về đền Trần. Hành hương về cội nguồn, ai cũng cầu mong điều tốt lành, thịnh vượng.
Lễ hội Phủ Dầy
Trên địa bàn tỉnh Nam Định có 2 khu di tích trọng điểm gắn liền với cuộc đời Thánh Mẫu Liễu Hạnh là phủ Quảng Cung (phủ Nấp thuộc huyện Ý Yên ) – nơi bà giáng sinh lần thứ nhất; phủ Vân Cát (huyện Vụ Bản) – nơi bà giáng sinh lần hai. Trong số gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu ở Nam Định, Phủ Dầy được xem là tâm điểm của hoạt động thực hành tín ngưỡng này.
Phủ Dầy là một quần thể di tích gồm hơn 20 đền, phủ, lăng… tạo nên một điện thần đạo Mẫu khá hoàn chỉnh tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Với những giá trị về kiến trúc và văn hóa vô cùng độc đáo, năm 1975, nơi đây đã được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Trong đó, di tích chính là Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát và Lăng Mẫu.
Hằng năm, cứ vào mùa lễ hội, hàng nghìn du khách thập phương về Phủ Dầy để thực hiện tín ngưỡng tâm linh theo tục thờ Mẫu, đồng thời tham quan chiêm ngưỡng một quần thể kiến trúc độc đáo, nơi khởi nguồn của nghệ thuật hát chầu văn. Lễ hội Phủ Dầy gắn liền với sự tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một biểu tượng trong “Tứ bất tử” của Việt Nam với nghi lễ hát chầu văn-hầu đồng, một nghi thức tín ngưỡng tiêu biểu của đạo Mẫu. Lễ hội Phủ Dầy tích hợp nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu và văn hóa dân gian của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ, mang đặc trưng tín ngưỡng bản địa của người Việt. Cùng với quần thể kiến trúc, Lễ hội Phủ Dầy là một kho tàng di sản văn hóa phản ánh về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật, thẩm mỹ, thể hiện tư duy, nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân cư, góp phần nghiên cứu đời sống văn hóa, xã hội truyền thống của làng quê Việt Nam.
Trong thời gian từ ngày mùng 3 đến mùng 10/3 âm lịch hàng năm, lễ hội Phủ Dầy thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương tới dự. Lễ hội Phủ Dầy diễn ra với các hoạt động văn hóa truyền thống phong phú như: liên hoan nghệ thuật hát chầu văn, lễ rước Mẫu thỉnh kinh từ Phủ Vân Cát đến chùa Linh sơn tự, lễ rước đuốc tại Phủ Tiên Hương, thi đấu cờ người, xếp chữ, kéo hoa trượng hội và nhiều trò chơi dân gian độc đáo khác.
Săn tuyết rơi Sapa
Tuyết rơi ở một nước nằm trong vùng nhiệt đới như Việt Nam có thể coi là hiếm, nhưng khoảng 10 năm gần đây lại khá thường xuyên khi tuyết rơi ở Sapa, chính vì vậy hoạt động săn tuyết rơi rất được người mê xê dịch đón chờ. Kinh nghiệm săn tuyết rơi Sapa thành công là bạn phải theo dõi kỹ dự báo thời tiết, đặc biệt những đợt gió mùa đông bắc mạnh. Tuyết tại Sapa thường rơi trong khoảng đầu và trung tuần tháng 1 hàng năm, do đó bạn cần đợi tin không khí lạnh di chuyển lệch đông tăng cường. Bên cạnh đó, tuyết thường rơi vào đợt gió mùa thứ hai hoặc ba trong mùa đông. Khối khí lạnh mang hơi ẩm, gây mưa, cộng với hình thái thời tiết hội tụ đới gió tây, trời dễ có mưa tuyết. Một đặc điểm là tuyết ở Việt Nam thường rơi ngắn ngày nên có điều kiện là phải lên đường ngay. Ngoài ra còn phải kiểm tra lại thông tin từ người địa phương. Nếu đầu ngón tay, ngón chân nhanh chóng tê buốt khi ra ngoài thì trời đã lạnh sâu, rất dễ có tuyết. Nếu rét đậm nhưng trời ấm lên nhanh chóng vào hôm sau thì thường tuyết sẽ không rơi. Một số điểm đến đẹp dễ dàng ngắm tuyết là trong rừng Y Tý (huyện Bát Xát), đỉnh Fansipan (Sa Pa) và một số ngọn núi khác trên dãy Hoàng Liên Sơn.
Sài Gòn mùa hoa kèn hồng
Cây kèn hồng được trồng thử nghiệm ở trung tâm Sài Gòn từ năm 2009. Kèn hồng có màu sắc tựa như hoa anh đào, nở vào tháng 4 và kéo dài cho đến tháng 6. Mỗi năm chỉ có vài ngày để người dân Sài Gòn có thể chiêm ngưỡng hoa kèn hồng nở rộ trên đường phố. Bởi kèn hồng chỉ nở rộ được 3-4 ngày rồi sẽ nhanh chóng rơi rụng.
Hoa kèn hồng còn có tên gọi khác là hoa chuông hồng, có xuất xứ châu Mỹ, là loài cây ưa sáng, thân gỗ, tán cho bóng mát, sống tốt trên đất khô, thoát nước tốt. Nhờ đặc tính này mà hoa có thể thích ứng với tiết trời nắng nóng của Sài Gòn.
Không chỉ giúp giảm bớt cái nắng gắt, những tán cây và hoa kèn hồng còn khiến Sài Gòn thêm phần thơ mộng. Kèn hồng gần giống hình chuông, mọc thành chùm 10 – 20 bông. Khi cây ra hoa, hầu hết lá đều rụng, trên đầu mỗi cành chỉ nhìn thấy những cụm hoa tím tím hồng hồng đẹp mắt. Loài hoa cho bông nhỏ, màu hồng tím nhạt, khi nở rộ tạo nên một mảng màu hồng không quá sặc sỡ nhưng đủ để làm tâm hồn người nhìn nhẹ nhàng, xao xuyến. Hoa khi nở sẽ trổ thành từng cụm, lúc rộ có màu hồng tươi đến khi sắp tàn thì có màu hồng phấn. Mỗi cụm có khoảng 5 – 10 bông hoa, nụ hoa lớn nhỏ nối tiếp nhau, hoa rơi thì nụ nở, cứ như thế đến hết mùa.
Nhiều đoạn trên đường Điện Biên Phủ quận Bình Thạnh (hướng về quận 1) là tuyến đường có hoa kèn hồng được trồng nhiều nhất. Các cung đường trồng nhiều cây hoa kèn hồng khác là Võ Thị Sáu, đại lộ Võ Văn Kiệt, Hàm Nghi…
Du lịch tháng 3
Côn Đảo mùa lá rụng
Cây bàng Côn Đảo được biết đến như một biểu tượng cho sự kiên cường của nhiều thế hệ cha anh đã ngã xuống ở hòn đảo anh hùng. Không chỉ có vậy, cây bàng còn đem lại một nguồn lợi kinh tế cho nơi này. Chính vì thế người dân Côn Đảo luôn nhắc đến cây bàng với sự tự hào và trìu mến.
Hàng năm, khoảng cuối tháng 3, cây bàng Côn Đảo bắt đầu vào mùa rụng lá, những chiếc lá xanh chuyển sang đỏ rực cả một góc trời rồi rơi rụng xuống lòng đường khiến khung cảnh nơi đây trở nên hữu tình, thơ mộng hơn bao giờ hết.
Đến Nam Du săn cá xương xanh
Ở Nam Du có nhiều hải sản ngon như bạch tuột, hàu, mực, ốc, ghẹ,… nhưng đặc sản cá xương xanh vẫn được yêu thích nhất. Nếu bạn có ý định du lịch Nam Du mà vẫn chưa biết ăn gì ở điểm đến Việt Nam này thì loài cá có xương màu xanh đặc biệt này là gợi ý số một.
Loài cá này có nhiều vào khoảng tháng 2 đến tháng 5, mà nhiều nhất là vào tháng 3. Thịt cá xương xanh không chỉ ngọt mà còn dai dai, có vị thơm tự nhiên. Đặc biệt, phần xương cá khá ít, chỉ có xương chính và một ít xương phụ nên khi ăn cũng rất tiện.
Đó là lý do mà loài cá này được chế biến thành nhiều món ngon khác nhau, phục vụ du khách đến du lịch Nam Du, mà được ưa chuộng nhất có lẽ là món cá nướng cuốn với bánh tráng, ăn kèm rau rừng tạo nên một bản sắc riêng ít nơi nào có được làm ai nấy cũng suýt xoa.
Tây Nguyên mùa hoa cà phê
Người ta nói rằng tháng 3 ở Tây Nguyên là thời điểm đẹp nhất trong năm, tháng của những con ong đi lấy mật, tháng của lứa đôi hẹn hò và tháng của mùa hoa café trổ bông ngào ngạt khắp đất trời cao nguyên.
Người Tây Nguyên gọi mùa hoa cà phê là mùa của niềm thương nhớ, mỗi lần hoa cà phê bung nở như sự nhắc nhở về tình yêu đối với mảnh đất quê hương. Dưới nền trời trong xanh và nắng vàng quyện màu đất đỏ bazan, màu trắng hoa cà phê càng nổi bật giữa không gian, cuốn hút mắt nhìn, giống như vẻ đẹp của cô gái Tây Nguyên đang tuổi xuân thì, đẹp rực rỡ và tinh khiết.
Những đồi hoa cà phê trắng muốt nở rộ sau nhà gắn liền trong tâm thức những người con vùng cao nguyên đất đỏ. Hoa cà phê là loài hoa nở rộ chủ yếu từ cuối tháng 2 tới hết tháng 4, chia làm nhiều đợt. Mỗi đợt từ 7 – 10 ngày, tập trung ở các tỉnh Pleiku, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk… Loài hoa này mọc thành chùm dọc cành. Cánh hoa mỏng, nở tròn xoe, với nhị trắng đan xen, hao hao hoa cúc. Vào mùa hoa cà phê, giữa thời tiết chớm xuân, se lạnh của vùng đất Tây Nguyên, ong rừng tới hút mật. Hoa cà phê nở đẹp nhất vào đợt đầu tiên. Bên cạnh đó, tùy thổ nhưỡng, lượng nước, thời tiết từng vùng, hoa sẽ nở vào sau Tết khoảng 1-2 tuần. Hoa mang mùi hương ngan ngát, thơm thoang thoảng, không hắc như hoa sữa.
Hương sắc hoa cà phê là một nét đẹp đặc trưng của vùng đất đỏ bazan, sắc trắng tuyệt đẹp, hương thơm ngọt ngào tô thêm sắc thắm, đem lại cái hồn cho Tây nguyên vào mùa hoa cà phê, khiến Tây nguyên chưa xa đã nhớ. Màu trắng đặc trưng, mùi thơm không thể lẫn vào đâu được của hoa cà phê và cảnh bạt ngàn hoa trắng trải khắp triền đồi của loài hoa đã dệt nên bao chuyện tình, đi vào thi ca nhạc họa của biết bao nghệ sĩ.
Mùa hoa ban nở Điện Biên
Đầu tháng 3 là thời điểm hoa ban nở rộ nhất. Hoa ban nở trắng khắp lưng đèo, đỉnh núi, đặc biệt trên các con đường thành phố Điện Biên Phủ. Mùa hoa ban kéo dài đến hết tháng 4 và thường gắn liền với nhiều lễ hội, trò chơi của đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc. Hoa ban là biểu tượng của Điện Biên nói riêng và Tây Bắc nói chung. Màu hoa ấy tinh khôi dù trải qua kháng chiến. Là niềm tự hào của người Tây Bắc. Là niềm cảm hứng của những nhà thơ, nhà văn và giới nhiếp ảnh gia.
Một số điểm hoa ban nở rộ trong lòng thành phố như: cổng chào đầu đường thành phố (dọc quốc lộ 279) và khu Trụ sở Công an tỉnh, hay dạo quanh cung đường Nguyễn Hữu Thọ, di tích Đồi A1, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, đường Hoàng Công Chất (đoạn đi Bệnh viện đa khoa tỉnh)… Ngoài ra các khu vực dễ bắt gặp những cánh rừng ban là ở Na Ư (huyện Điện Biên) hay Sa Lông (huyện Mường Chà). Hàng nghìn cây ban rừng nở rộ trên rẻo cao ở các huyện Điện Biên Đông, Mường Chà, Tuần Giáo, Tủa Chùa… tô thắm cho vẻ đẹp của bản làng, núi rừng.
Du lịch tháng 4
Săn nhum ở Lý Sơn
Nhum thì ở đâu cũng có, nhưng đây lại là món đặc sản đặc trưng của đảo Lý Sơn. Thánng tư, trời yên biển lặng cũng là bắt đầu mùa săn nhum biển ở điểm đến Việt Nam này. Khi đó, nếu có dịp đến đây bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị khi được tận tay đi bắt những con nhum biển lạ mắt.
Và sau đó được thưởng thức nhiều món ăn chế biến từ nhum cực hấp dẫn, trong đó món ăn được yêu thích nhất phải kể đến là cháo nhum. Nếu bạn muốn thưởng thức ngay cái ngọt béo của nhum trên bờ biển thì không gì tuyệt vời hơn là món nhum chấm mù tạt. Hoặc cầu kỳ hơn một chút thì bạn có thể món nhum nướng mỡ hành béo ngậy hấp dẫn không hề kém cạnh.
Phiên chợ tình Khâu Vai (Hà Giang)
Có một phiên chợ mà việc bán mua chẳng quan trọng, nhưng ấm đượm vẻ đẹp trên cao nguyên Hà Giang. Đó là chợ tình Khâu Vai, hay còn gọi là chợ Phong Lưu, mỗi năm tổ chức một lần vào ngày 27/3 âm lịch. Phiên chợ độc đáo đã góp phần giúp đời sống người dân xứ đá trở nên sinh động, gìn giữ được nét văn hóa đặc sắc nơi đây.
Chợ tình Khâu Vai từ khi hình thành đến nay hơn 100 năm, đây là phiên chợ tình nổi tiếng ở tỉnh Hà Giang, mỗi năm chỉ họp duy nhất một ngày. Chợ nằm ở bản Khâu Vai, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, cách TP Hà Giang gần 200 km. Cứ vào ngày 27/3 âm lịch hàng năm, phụ nữ ở đây lấy ra bộ trang phục đẹp nhất, đàn ông sẽ diện cho mình một bộ đồ tươm tất nhất để cùng đến điểm hẹn chợ tình Khâu Vai. Đây là phiên chợ mà không hẳn là chợ, đi chợ mà giống như trải nghiệm ngày hội vui. Trong ngày diễn ra phiên chợ, khu vực trung tâm chợ, từng tốp nam nữ từ năm đến bảy người tụ tập vào hát, say sưa, mê đắm. Người Giáy, người Nùng hát Cọi, người Tày hát sli, lượn để giao duyên. Ðề tài chủ yếu nói về nhớ nhung yêu đương.
Ngày nay, huyện Mèo Vạc và tỉnh Hà Giang đã đưa chợ tình Khâu Vai lên thành Tuần Văn hóa du lịch Lễ hội Chợ tình Khâu Vai với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo, nhằm thu hút du khách nên chợ thường kéo dài khoảng 3 ngày, phiên chợ chính vẫn diễn ra vào ngày 27/3.
Lễ hội chợ tình Khâu Vai được tỉnh Hà Giang tổ chức nhằm giới thiệu, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị nhân văn cao đẹp của truyền thuyết Chợ tình Khâu Vai; ca ngợi mối tình trong sáng; tạo sức lan tỏa trong cộng đồng về những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng và phát triển những chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình, tình yêu đôi lứa. Đồng thời, là sân chơi giao lưu, gặp gỡ để bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc riêng của nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc nói riêng và đồng bào nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang nói chung. Đây cũng là dịp để quảng bá du lịch, thu hút du khách đến với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (Phú Thọ)
Lễ hội Đền Hùng còn gọi là Giỗ tổ Hùng Vương, là lễ hội thiêng liêng của cả dân tộc Việt Nam, để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc.Theo truyền thuyết thì Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem như là Thủy Tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Lễ hội diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Trước đó hàng tuần, lễ hội đã diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá dân gian và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.
Du lịch tháng 5
Ninh Bình lúa chín vàng ươm
Ninh Bình từ lâu đã trở thành điểm đến lý tưởng cho khách du lịch và những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Đặc biệt là vào tháng 5, điểm đến Việt Nam này bước vào mùa lúa chín, những cánh đồng ở Tam Cốc khoác lên một màu vàng kiêu hãnh, làm nổi bật giữa mảnh xanh tươi giữa núi non trùng điệp, tạo nên bức tranh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ.
Chính vì thế không chỉ quyến rũ du khách Việt, Tam Cốc còn là điểm đến thu hút rất nhiều du khách nước ngoài tới khám phá và trải nghiệm. Xe đạp là phương tiện giao thông được du khách ưa chuộng nhất để có thể thoải mái vi vu ngắm cảnh trên con đường đất của cánh đồng quê.
Tuy nhiên, để tham quan những vựa lúa chín đẹp nhất cùng những danh thắng của Tam Cốc, chỉ có một con đường duy nhất là đi thuyền xuôi theo dòng sông Ngô Đồng. Dòng sông Ngô Đồng êm đềm uốn lượn giữa một bên cánh đồng lúa vàng một bên núi đá hoang sơ, kỳ vĩ tạo nên bức họa đồng quê thanh bình, lãng mạn khiến bất cứ tâm hồn ưa xê dịch nào cũng phải rung động.
Hoa phượng đỏ rực và hoa phượng vàng ở cố đô Huế
Ngoài Ninh Bình, thì cố đô Huế cũng là một điểm đến Việt Nam mà bạn không nên bỏ lỡ vào tháng 5. Xứ Huế những ngày này, trên nhiều nẻo đường của thành phố, trong các công viên dọc sông Hương hay phía bên Kinh thành cổ kính… đi đến đâu cũng bắt gặp cây phượng vĩ nở hoa rực rỡ.
Loài hoa này gắn liền với cuộc sống nhiều thế hệ người dân xứ Huế, đặc biệt là gắn bó với biết bao kỷ niệm của tuổi học trò. Màu đỏ của hoa phượng vĩ càng điểm tô thêm cho cảnh sắc, đất trời Cố đô tạo nên bức tranh mùa hạ tuyệt đẹp. Có lẽ cũng chính nhờ nét đẹp ấy đã giúp Huế níu chân du khách, để lại ấn tượng khó phai sau mỗi lần ghé thăm mảnh đất đáng mến này.
Cũng vào tháng 5, mùa hoa phượng vàng (hay còn gọi là hoa điệp) lại bung nở trên khắp các phố ở xứ Huế mộng mơ, trút xuống gốc tạo thành những thảm hoa khiến bất cứ ai đi qua cũng bị thu hút. Hoa phượng vàng được trồng dọc các con phố Ngô Quyền, ngã ba Phan Bội Châu, Lê Lợi. Nơi đây thu hút nhiều du khách, cũng như những người yêu nhiếp ảnh tới để thỏa sức sáng tác. Hoa phượng vàng gần giống về hình dáng cây và lá như phượng vĩ, nhưng bông nhỏ hơn và màu hoa vàng nghệ. Cánh hoa mỏng manh, cuốn theo chiều gió tạo ra thảm hoa vàng tươi nguyên màu thời gian.
Ninh Thuận biển xanh – cát trắng
Ninh Thuận, vùng “nắng như rang, gió như phan” (Phan Rang), gắn liền với cát, nắng nóng và sỏi đá, vẫn giữ nguyên nét đẹp nguyên sơ, với kiến trúc tháp Chăm tiêu biểu, với biển xanh cát trắng, và nhiều trái cây đặc trưng của miền nắng gió. Đến với Ninh Thuận, khách du lịch không chỉ để chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên, mà còn để thưởng thức những sản vật địa phương vô cùng đa dạng phong phú, từ sản vật của núi rừng, của biển, của đồng bằng… và những giá trị văn hóa được gìn giữ từ rất lâu đời.
Với nét hoang sơ, độc đáo, vùng biển ở Ninh Thuận trở thành điểm nhấn phát triển du lịch biển đầy tiềm năng. Bãi biển Cà Ná (Thuận Nam) còn giữ nét hoang sơ, với biển xanh cát trắng; bờ biển Bình Sơn-Ninh Chữ như bức tranh hữu tình; vùng biển Mỹ Hòa (Ninh Hải) là điểm du lịch lý tưởng thu hút du khách trong nước và quốc tế luyện tập và biểu diễn môn lướt ván dù. Những điểm du lịch biển này còn có nhiều loại hải sản quý, mang lại cho du khách những kỳ nghỉ hấp dẫn, kỳ thú khi đến Ninh Thuận.