Từng là nơi sinh sống của các vị vua và hoàng đế giàu có trên thế giới, hiện nay những cung điện này đã trở thành điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng. Dưới đây là danh sách 10 cung điện đẹp nhất trên thế giới.
Được xây dựng vào năm 1842 bởi Vua Ferdinand II, cung điện quốc gia Pena ở Bồ Đào Nha là lâu đài châu Âu cổ nhất theo phong cách lãng mạn. Cung điện được xây dựng trên tàn tích của một tu viện bị hư hại nghiêm trọng trong trận động đất lớn ở Lisbon năm 1755. Ngày nay, với màu sắc đỏ và vàng đã được khôi phục lại, cung điện quốc gia Pena là một trong những di tích được ghé thăm nhiều nhất ở Bồ Đào Nha.
Mysore ở Ấn Độ bao gồm nhiều cung điện lịch sử, trong đó cung điện Mysore là nổi tiếng nhất. Cung điện này bắt đầu được sử dụng từ năm 1897 sau khi cung điện cũ bị phá hủy trong một đám cháy. Tại lễ hội Dasara vào tháng 9 và tháng 10 hằng năm, cung điện Mysore sẽ được chiếu sáng với hơn 10.000 bóng đèn, đem tới khung cảnh vô cùng lộng lẫy.
Cung điện Schonbrunn bao gồm 1.441 phòng, là một trong những điểm thu hút khách du lịch lớn ở Vienna. Cung điện được xây dựng từ năm 1696 đến năm 1712 theo yêu cầu của Hoàng đế Leopold I và đã trở thành cung điện mùa hè của hoàng gia với rất nhiều điểm tham quan như khu vườn bí mật, vườn thú lâu đời nhất trên thế giới cùng một mê cung và gloriette (ngôi nhà mùa hè bằng đá cẩm thạch) nằm trên đỉnh đồi cao 60m.
Di Hòa Viên đã được sử dụng làm cung điện mùa hè của các vua chúa ở Trung Quốc, nó là một nơi nghỉ dưỡng tuyệt đẹp nằm ngay giữa Bắc Kinh. Các khu vườn đã được mở rộng đáng kể vào năm 1750, mô phỏng lại phong cách của các cung điện và khu vườn khác nhau từ khắp Trung Quốc. Hồ Côn Minh trong cung điện được xây dựng giống như Hồ Tây ở Hàng Châu.
Khi Sultan Mehmet chiếm Constantinople vào năm 1453, ông đã ra lệnh xây dựng một dinh thự mới. Đây chính là cung điện sau này được gọi là Topkapi. Cung điện này là nơi sinh sống của các vua Ottoman trong 4 thế kỷ, từ năm 1465 đến năm 1853. Trong những năm qua, quần thể cung điện đã trải qua nhiều sửa đổi liên tục đến ngay nay đã trở thành một địa điểm du lịch vô cùng thu hút du khách.
Versailles ban đầu là một khu nghỉ sau khi săn bắn, được xây dựng vào năm 1624 bởi Louis XIII. Người kế vị của ông là Louis XIV đã mở rộng địa điểm này thành một trong những cung điện lớn nhất trên thế giới. Cung điện Versailles vẫn là nơi ở chính thức của các vị Vua Pháp cho đến tháng 10 năm 1789 khi hoàng gia buộc phải quay trở lại Paris trong cuộc Cách mạng Pháp.
Lâu đài được ghé thăm nhiều thứ hai ở Pháp (sau Versailles), là một kiệt tác của thời kỳ Phục hưng Pháp. Chateau de Chambord có 440 phòng, 365 lò sưởi và 84 cầu thang. Việc xây dựng lâu đài được bắt đầu vào năm 1519 bởi Vua François I để ông có thể đi săn trong các khu rừng gần đó.
Alhambra nằm trên một cao nguyên nhìn ra thành phố Granada ở miền nam Tây Ban Nha. Cung điện được xây dựng vào giữa thế kỷ 14 bởi các quốc vương Nasrid và là minh chứng cho kỹ năng của các thợ thủ công thời đó. Alhambra hiện là một trong những điểm thu hút khách du lịch lớn của Tây Ban Nha và nhiều du khách đến Granada chỉ để chiêm ngưỡng Alhambra.
Nằm trên đồi Marpo Ri, cao hơn 130m so với thung lũng Lhasa, cung điện Potala cao 170m và là công trình kiến trúc đồ sộ nhất ở Tây Tạng. Mặc dù một phần cung điện đã được xây dựng vào thế kỷ thứ 7, việc xây dựng cung điện hiện tại bắt đầu vào năm 1645 dưới thời trị vì của Đạt Lai Lạt Ma thứ 5, và đến năm 1648 cung điện Trắng đã hoàn thành. Cung điện Đỏ được xây dựng thêm vào từ năm 1690 đến năm 1694. Cung điện Potala vẫn là nơi ở của Đạt Lai Lạt Ma cho đến khi Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 sang Ấn Độ.
Nằm ở trung tâm của Bắc Kinh, Tử Cấm Thành là quần thể cung điện lớn nhất thế giới với diện tích 72 ha. Được xây dựng từ năm 1406 đến năm 1420, khu phức hợp này bao gồm 980 tòa nhà với 8.707 phòng được bao quanh bởi một con hào sâu 6m và một bức tường cao 10m. Khoảng cách giữa cổng Thiên An Môn và cổng Thần lực là 960m. Có tổng cộng 24 vị hoàng đế đã trị vì đất nước trong gần 5 thế kỷ sống tại Tử Cấm Thành cho đến khi vua Phổ Nghi, vị Hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc thoái vị.
Trích nguồn